Thượng đỉnh NATO ra tuyên bố chung, phần lớn đề cập cuộc chiến Nga-Ukraine

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, các lãnh đạo của khối ra tuyên bố chung trong đó giành phần lớn để nói về cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ngày 10-7, lãnh đạo các nước thành viên của khối ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề then chốt của khối, theo trang web của NATO (nato.int).

Trong đó, cuộc chiến Nga-Ukraine gần như là nội dung được đề cập nhiều nhất trong tuyên bố chung.

“Nga vẫn là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất”

Theo tuyên bố chung NATO, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đã phá vỡ hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và làm suy yếu nghiêm trọng an ninh toàn cầu.

“Nga vẫn là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của NATO. Tại thượng đỉnh năm nay, chúng tôi đang thực hiện các bước tiếp theo để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, tăng cường hỗ trợ lâu dài cho Ukraine để nước này có thể thắng thế trong cuộc chiến [với Nga] và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của NATO” - theo tuyên bố chung thượng đỉnh NATO.

 Lãnh đạo các nước thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ hôm 10-7. Ảnh: NATO

Lãnh đạo các nước thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ hôm 10-7. Ảnh: NATO

NATO cho biết khối này đang dự định cung cấp nguồn tài trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỉ euro cho Ukraine trong năm tới để Kiev có thể chiếm ưu thế trước Moscow, cũng như tiếp tục cung cấp thiết bị quân sự, hỗ trợ và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine.

Các hạng mục hỗ trợ bao gồm: mua thiết bị quân sự; chi phí bảo trì, hậu cần và vận chuyển thiết bị quân sự; chi phí huấn luyện quân sự; đầu tư và hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng quốc phòng và công nghiệp quốc phòng;...

Phát biểu tại thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng NATO đã "mạnh mẽ hơn bao giờ hết", nhấn mạnh rằng với sự hỗ trợ tập thể và đầy đủ của khối thì Ukraine có thể và sẽ ngăn chặn được Nga.

Nga chưa lên tiếng về tuyên bố chung thượng đỉnh NATO.

Gọi tên Trung Quốc, Triều Tiên, Iran

. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng đây là lần đầu tiên 32 quốc gia thành viên cùng coi Trung Quốc là nước có khả năng quyết định cuộc chiến của Nga ở Ukraine và gọi đây là một thông điệp quan trọng, theo hãng tin Reuters.

Trong tuyên bố chung, các nước NATO bày tỏ quan ngại về mối quan hệ “không giới hạn" của Trung Quốc và Nga, tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh “hỗ trợ quy mô lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow”.

 Các lãnh đạo NATO chụp hình lưu niệm khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối tại Mỹ hôm 10-7. Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo NATO chụp hình lưu niệm khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối tại Mỹ hôm 10-7. Ảnh: REUTERS

Theo NATO, Trung Quốc đã chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng cho Nga, chẳng hạn như các thành phần vũ khí, thiết bị và nguyên liệu thô dùng trong sản xuất quân sự.

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, chấm dứt mọi hỗ trợ vật chất và chính trị cho nỗ lực chiến sự của Nga” - trích tuyên bố chung của NATO.

Ngoài ra, phía NATO còn lưu ý rằng Trung Quốc tiếp tục đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương, đặc biệt là các mối lo ngại về an ninh mạng.

Trung Quốc chưa lên tiếng về các nội dung trên.

Đây không phải lần đầu tiên phương Tây cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga xây dựng năng lực quốc phòng. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ và đồng minh thường xuyên cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga và đã trừng phạt nhiều cá nhân và thực thể Trung Quốc vì vấn đề này. Bắc Kinh cũng đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của phương Tây.

. Ngoài ra, tuyên bố chung thượng đỉnh NATO 2024 nhấn mạnh rằng Triều Tiên và Iran đang thúc đẩy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine bằng cách cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Moscow như đạn dược và máy bay không người lái (UAV).

Theo NATO, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương và làm suy yếu an ninh toàn cầu.

Phía Iran và Triều Tiên chưa lên tiếng về cáo buộc trên.

Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, lãnh đạo hai nước Mỹ và Đức tuyên bố rằng Mỹ sẽ sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức vào năm 2026. Đây được coi là một bước quan trọng nhằm chống lại cái mà phía NATO gọi là mối đe dọa ngày càng tăng của Nga đối với châu Âu.

Theo đó, Mỹ sẽ gửi cho Đức những vũ khí mạnh nhất mà Washington có kể từ Chiến tranh Lạnh.

Tuyên bố chung Mỹ-Đức cho biết "việc triển khai sẽ diễn ra theo từng đợt", nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện lâu dài của các hệ thống tên lửa tầm xa (gồm SM-6, Tomahawk và các vũ khí siêu thanh với tầm bắn lớn hơn) ở châu Âu.

Theo Reuters, động thái này lẽ ra đã bị cấm theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) do Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 nhưng đã sụp đổ hồi năm 2019.

Mỹ rút khỏi hiệp ước này năm 2019 sau khi cáo buộc Nga vi phạm vì đã phát triển tên lửa hành trình SSC-8.

Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ nối lại việc sản xuất các tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ đưa các tên lửa loại này tới châu Âu và châu Á.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuong-dinh-nato-ra-tuyen-bo-chung-phan-lon-de-cap-cuoc-chien-nga-ukraine-post799897.html