'Thượng gia, hạ kiều' - kiến trúc nhân văn của cầu ngói Thanh Toàn
Những cây cầu có mái che được xem là kiến trúc nhân văn nhất trong giao thông của nhân loại. Bởi lẽ, cầu dành cho người đi bộ qua có thể nghỉ chân, trú mưa nắng, còn có thể là nơi hàn huyên. Công năng của một cây cầu thiết kế theo cách này cho đến nay vẫn hữu dụng, điển hình như cầu ngói Thanh Toàn (Huế).
Đặc sắc kiến trúc nhân văn "thượng gia, hạ kiều" của cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn, công trình kiến trúc "thượng gia, hạ kiều" – vừa là nhà, vừa là cầu qua sông rạch, là nơi thờ tự kết hợp chỗ nghỉ chân của khách quan đường ở Việt Nam được xem là một trong số những công trình giao thông độc đáo nhất trên thế giới.
Công trình cầu có mái che xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 15, khi người Nhật xây chùa cầu ở Hội An đầu tiên. Sau đó, thế kỷ 18, tại làng Thanh Toàn ở cố đô Phú Xuân, Huế xuất hiện thêm công trình kiến trúc kiểu này. Cho đến nay, chùa Cầu, Hội An (Quảng Nam) và cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế) vẫn là 2 cây cầu đẹp cổ kính, hút khách du lịch tới thưởng lãm.
Ngoài ra, có thể kể đến nhiều cây cầu mái che khác có kiến trúc tương tự và đều nằm trong số các di sản kiến trúc đặc biệt: Cầu Ngói (Nam Định), cầu Nhật Nguyệt (chùa Thầy, Hà Nội), chùa Phát Diệm (Ninh Bình)...
Điều đáng nói là trong số này, cầu ngói Thanh Toàn tại Thừa Thiên Huế trong suốt 247 năm tồn tại đến nay vẫn có công dụng là nơi thờ tự, là trạm nghỉ chân đường bộ, là lối dẫn vào chợ. Hơn thế nữa, cây cầu hiện là di tích cổ, linh hồn của khu du lịch bao quanh cùng với nếp sống cổ xưa giàu trầm tích văn hóa vẫn được duy trì.
Cầu ngói Thanh Toàn thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Khu vực phức hợp xung quanh đây thường xuyên tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch bao gồm hội bài chòi, trò chơi dân gian, trưng bày nông cụ và trình diễn thao tác các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của vùng quê Thủy Thanh. Xung quanh cây cầu đặc biệt đậm tính chất làng quê truyền thống của dân tộc Việt gồm cây đa, bến nước, chợ, sân đình.
Sử sách ghi lại, bà Trần Thị Đạo, người làng Thanh Thủy là cháu sáu đời của một trong 12 vị khai canh đã giúp dân làng Thanh Toàn xây cầu. Bà là vợ của Tổng đốc ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền lúc bấy giờ. Thấy người dân qua lại 2 bên kênh ngoài đồng vất vả nắng nóng quá đã cho xây dựng cây cầu có mái che để người dân qua cầu có chỗ nghỉ chân.
Đời sống du lịch đặc sắc xung quanh cầu ngói Thanh Toàn
Điều kì diệu là bao năm qua, cây cầu vẫn hữu dụng là cầu giao thông và là chỗ nghỉ chân cho những người qua cầu. Chính công dụng đặc biệt của cây cầu đã làm cho công trình gần gũi với đời sống, không phải là một mẫu vật trưng bày, sống mãi với thời gian.
Di tích đã tạo ra xung quanh nó một môi trường đời sống phong phú đa dạng. Cây cầu hứng gió hè và che gió đông, là nơi hẹn hò của biết bao thế hệ người làng, chứng kiến nhiều cuộc đổi dời nơi thôn dã mà vẫn trơ gan với thời gian. Ngày nay dân làng vẫn tổ chức ngày hội gắn với ngày giỗ của bà Trần Thị Đạo, vẫn thờ cúng bà bên trong bàn thờ trên cây cầu.
Xã Thủy Thanh xây dựng thành làng du lịch kiểu mẫu của Thừa Thiên Huế dựa vào tiếng tăm về cầu ngói Thanh Toàn. Với kiến trúc đa dụng, cây cầu như một con rồng uốn lưng bắc qua 2 bờ có kiến trúc vừa nhà, vừa cầu, rộng 7 gian, dài 17m, rộng 5m, vừa là nơi thờ người đã xây dựng cây cầu này. Cầu từng được trùng tu 15 lần và từng được gia cố nền móng trên cơ sở tôn trọng tối đa tính nguyên bản. Cầu ngói Thanh Toàn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1990.
Hiện tại, mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng tại xã Thủy Thanh được xem là một trong những biện pháp để bảo tồn cây cầu cổ một cách tốt nhất. Hiện cây cầu như trái tim của làng và hạt nhân quan trọng của khu du lịch làng Thủy Thanh. Cây cầu còn thì làng du lịch còn, các hoạt động du lịch càng được mở rộng ra ngoài ngoại vi thành phố Huế và hàng loạt các dự án du lịch làng quê, làng duyên hải ven biển sẽ song song tồn tại.
Không chỉ là một kiến trúc cổ độc đáo, cây cầu còn là nhân chứng lịch sử. Chính vua Khải Định đã hạ lệnh cho người dân lập bàn thờ bà Trần Thị Đạo ngay trên gian chính của cầu. Bên cạnh đó là các chỗ ngồi hóng mát, nghỉ chân. Các bộ phận của cầu đều bằng gỗ tròn và vuông, không chạm khắc, giản dị như nguyên bản là cây cầu công dụng giao thông.
Trước đây, các nghệ nhân chạm khắc tứ linh ở bộ mái cây cầu long lân quy phụng và giao long trên mái cầu. Sau này hình rồng chầu mặt nguyệt được thay thế chứng tỏ có vai trò sắc lệnh của các vua triều Nguyễn.
Có ý kiến cho rằng cây cầu cần được đóng cửa tham quan vĩnh viễn để bảo tồn như dạng đóng băng một công trình vật chất trưng bày ngoài trời. Lý do đưa ra là cầu ngói Thanh Toàn là công trình cổ quá quý hiếm, niên đại lâu năm và chất lượng của công trình hiện nay có thể không đủ điều kiện để tiếp tục công dụng là một công trình giao thông.
Thực tế cho thấy, câu cầu được sử dụng trong đời sống du lịch là cách bảo tồn tốt nhất. Gần nhất, năm 2020, cầu Thanh Toàn được hạ giải để trùng tu với kinh phí đầu tư bảo tồn tu bổ và tôn tạo với kinh phí 13 tỉ đồng.