Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh - Bài cuối: Xây dựng ngôi nhà đa lĩnh vực

Chính quyền thành phố cũng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng TPHCM tạo động lực cho ngày càng nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh gia nhập vào 'ngôi nhà' thương hiệu.

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải “Thương hiệu Vàng” Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 năm 2022. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải “Thương hiệu Vàng” Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 năm 2022. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Xác định xây dựng thương hiệu không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của thành phố, nên chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra cam kết và tập trung mọi nỗ lực thực hiện tốt chủ đề năm 2023; trong đó, có phát triển Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, thành phố đã và đang tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn phát huy giá trị thương hiệu.

*Thực hiện tốt trụ cột trách nhiệm

Thống kê tại 45 thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp đạt Giải thưởng Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh cho thấy quy tụ hơn 36.000 lao động. Bên cạnh đó, với những hoạt động kinh doanh nổi bật và có nhiều nỗ lực trong xây dựng, phát triển thương hiệu đã mang về doanh thu đạt khoảng hơn 333.000 tỷ đồng, cùng nhiều đóng góp trong hoạt động an sinh xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.

Những con số này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, khẳng định giá trị thương hiệu bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh trước những khó khăn, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 từ năm 2020 và kéo dài đến năm 2021, 2022.

Với nền tảng phát triển bền vững, chính quyền thành phố cũng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh tạo động lực cho ngày càng nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh gia nhập vào "ngôi nhà" thương hiệu của thành phố, cùng tiếp tục phát huy những giá trị thương hiệu sản phẩm và nâng tầm thương hiệu thành phố trong thời gian tới.

Dự báo tình hình kinh tế, thị trường của năm 2023 diễn biến phức tạp và còn nhiều thách thức, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành cùng thành phố, thực hiện tốt 3 trụ cột trách nhiệm.

Đó chính là trách nhiệm với chính doanh nghiệp mình để tiếp tục giữ vững và phát triển thành các thương hiệu mạnh, vươn tầm quốc tế; trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thành phố; thông qua những hành động cụ thể. Đồng thời, là trách nhiệm đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố nói chung để dẫn dắt các thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp khác cùng phát triển, cùng liên kết hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, nguồn lực mạnh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh cần tập trung vào những chương trình hành động cụ thể như chuyển đổi số mạnh mẽ, điều chỉnh quy trình sản xuất linh hoạt gắn với công nghệ thông minh.

Song song đó, doanh nghiệp tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi, giàu bản sắc, gắn với phát triển thương hiệu; quan tâm xây dựng tính chuyên nghiệp, phát triển đội ngũ quản lý và lao động lành nghề, chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Nhằm hội nhập kinh tế toàn cầu hiệu quả, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: cộng đồng doanh nghiệp Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh cần chủ động thích ứng, tìm kiếm mọi cơ hội để phát triển, nắm bắt xu hướng phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Từ đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh của riêng mình trên cơ sở xác định lợi thế cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, làm tiền đề để kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đơn cử, ngành công nghiệp dệt may của cả nước nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp khó khăn thì tại một số quốc gia khác trên thế giới như Bangladesh đã nhanh chóng thực hiện chiến lược "xanh hóa" ngành dệt may mang lại điều kiện thuận lợi mới và giúp khai thác có hiệu quả cơ hội thị trường. Rõ ràng, đây không chỉ là phong trào mà trở thành xu thế phát triển trên thị trường toàn cầu, cũng như là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Riêng với vai trò, trách nhiệm của mình, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cùng sở, ngành sẽ tập trung khơi thông mọi nguồn lực cả công và tư bằng cơ chế huy động vốn và cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố với những hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng, sẽ sớm hình thành Trung tâm trưng bày sản phẩm Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh tại thị trường trọng điểm, hướng đến quảng bá rộng rãi thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu của thành phố ra thị trường quốc tế.

Khu vực trưng bày sản phẩm của Saigon Co.op tại Lễ trao Giải thưởng Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Khu vực trưng bày sản phẩm của Saigon Co.op tại Lễ trao Giải thưởng Thương hiệu vàng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

* Mở rộng lĩnh vực trọng yếu

Hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa và xã hội toàn diện, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Đề án này, hứa hẹn giúp Tp. Hồ Chí Minh phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của một thành phố năng động, sáng tạo, hỗ trợ xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Đặc biệt, việc chính quyền thành phố mở rộng lĩnh vực tiềm năng thu hút thêm đơn vị sản xuất, kinh doanh ở đa dạng ngành nghề sẽ giúp tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong cộng đồng thương hiệu Tp. Hồ Chí Minh. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể phối hợp liên ngành trong thúc đẩy hình thành hệ sinh thái Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh, tạo sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt thương hiệu của các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Từ năm 2022 - 2025 là giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu ban hành Kế hoạch và tổ chức phát động chương trình tìm kiếm, đánh giá thực trạng nhằm chọn lọc những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng phát triển thương hiệu.

Ở giai đoạn này, Tp. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiến hành tổ chức tập huấn chuyên sâu về xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ cho đơn vị nông nghiệp hiểu đúng vai trò và xây dựng chiến lược, lộ trình phù hợp với năng lực từng đơn vị... Đồng thời, ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh triển khai hỗ trợ hoạt động nâng tầm thương hiệu, tư duy doanh nghiệp, hợp tác xã về xây dựng thương hiệu.

Riêng từ năm 2025 - 2030, dự kiến là giai đoạn đề xuất những mục tiêu cụ thể như tìm kiếm, phát hiện, lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và tiềm năng ngành nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản địa phương của Thành phố phù hợp với tiêu chí giải thưởng. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức, năng lực, khắc phục hạn chế, đáp ứng tiêu chí tham gia Giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, sở đang phối hợp liên ngành thực hiện Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 bằng nhiều giải pháp khuyến khích phát triển phong trào xây dựng Thương hiệu Vàng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở này, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2025 tổ chức Lễ công bố giải thưởng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh lần thứ nhất và dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030 tổ chức Lễ công bố này theo định kỳ 2 năm/lần.

Một số doanh nghiệp cho rằng, Đề án Xây dựng Thương hiệu Vàng Nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 được xem là kế hoạch phát triển nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là Đề án có tính định hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn thành phố, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan tăng cường đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Trong đó, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng sao vào hệ thống siêu thị, các kênh phân phối...

Còn Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ, kết nối đưa sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sao vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm tuyến phục vụ khách trong và ngoài nước. UBND thành phố cũng giao các huyện có sản phẩm OCOP đạt 3 – 4 sao thực hiện quảng bá, mở rộng sản xuất các sản phẩm này ra nhiều đối tượng khác tại địa phương.

Mặt khác, tại Quyết định phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục phấn đấu đến cuối năm 2025, trên 90% số sản phẩm đạt chứng nhận về tiêu chuẩn OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, trên số 90% sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm./.

>>> Thương hiệu Vàng Tp. Hồ Chí Minh - Bài 1: Phát triển cộng đồng doanh nghiệp dẫn đầu

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuong-hieu-vang-tp-ho-chi-minh-bai-cuoi-xay-dung-ngoi-nha-da-linh-vuc/282093.html