Thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn nhiều quốc gia Đông Nam Á

Chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Dấu ấn doanh nghiệp lớn

Ngày 31/8, Viện Chiến lược phát triển (VIDS - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2023(VPE 500 2023).

Phát biểu trong buổi công bố báo cáo, ông Florian Constantin Feyerabend Trưởng Đại diện, Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam khẳng định: “Vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân là không thể phủ nhận. Dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân trong bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét”.

Theo vị trưởng đại diện của KAS nhìn nhận: trong khu vực tư nhân, các doanh nghiệp lớn nhất trong nước có thể được coi là những người dẫn đầu thị trường và có ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Đây cũng là một trong nhiều lý do mà KAS hỗ trợ thực hiện nghiên cứu đánh giá VEP 500.

Nhìn về lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhất trong bản đánh giá vừa được công bố, Florian Constantin Feyerabend phát biểu: “Trong nền kinh tế toàn cầu đầy biến động hiện nay, khu vực tư nhân đã và đang góp phần duy trì nền kinh tế Việt Nam (tạo ra 57,8% doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại Việt Nam đến cuối năm 2021). Hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp này phản ánh sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế”.

 Hội thảo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500- Báo cáo 2023). Ảnh: Hà Linh

Hội thảo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500- Báo cáo 2023). Ảnh: Hà Linh

Báo cáo lần đầu tiên về VPE500 đã được công bố năm 2022, đánh giá doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ 2016-2019 giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được cho là tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 6,5% với nhiều thuận lợi từ bên ngoài và bên trong.

VPE500 2023 tập trung phân tích biến động của VPE500 trong giai đoạn 2021-2022 khi nền kinh tế gặp cú shock COVID-19. VPE 500 2023 cho thấy VPE500 đã có những thay đổi như thế nào trong bối cảnh đó, khả năng chống chịu của họ ra sao? Và VPE có phải là trụ đỡ cho phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nói chung hay không?

Báo cáo VPE500-2023 cho thấy: Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694,2 ngàn doanh nghiệp tư nhân trong nước (VPE), chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp.

Nhưng chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước (số liệu đến cuối năm 2021).

500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhất xuất hiện ở 53/63 tỉnh/thành phố, nhưng chủ yếu tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Số VPE 500 có ở hai vùng này chiếm tới 75% VPE 500 và có xu hướng tăng nhẹ.

Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở 21/21 ngành cấp 1, trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành Công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT), Thương mại và Xây dựng.

Với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, một điểm thấy rõ là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp nhỏ hơn là với các doanh nghiệp lớn. Đại dịch COVID-19 có tác động tới nhóm VPE500 không nhiều, thể hiện ở việc các doanh nghiệp này vẫn có khả năng đầu tư tăng tài sản và vốn sản xuất kinh doanh.

Nnhư vậy, VPE500 có sức chống chịu tốt hơn doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Nhóm VPE500 hoạt động vượt trội và vẫn duy trì tốt được tốc độ tăng trưởng so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, mức độ vượt trội trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân của VPE.

Tạo phong từng tỉnh xây dựng VPE của mình

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm rất đáng lưu ý về doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam. Đó là năng suất lao động của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu.

Đó là có tới 43,0% doanh nghiệp thuộc VPE500 có hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2020, gấp gần 3 lần tỷ lệ của doanh nghiệp nhà nước; gấp 4 lần tỷ lệ của doanh nghiệp FDI và gần 27 lần tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Có tới 44,0% doanh nghiệp VPE500 có hệ thống tự động hóa, cao gấp 20 lần tỷ lệ của doanh nghiệp tư nhân trong nước (2,1%), cao hơn tỷ lệ 21,6% của doanh nghiệp nhà nước và 13,3% của doanh nghiệp FDI.

Phân tích về định lượng, báo cáo cho thấy VPE500 có tác động lan tỏa về đầu tư tới các doanh nghiệp tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

“Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của VPE500 làm tăng đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Con số này cho thấy đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc doanh nghiệp vệ tinh của VPE500”, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban, Ban Quốc tế của VIDS lưu ý.

Ngược lại, có hiện tượng chèn lấn đầu tư đến từ doanh nghiệp FDI cùng ngành và ở hạ nguồn với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của doanh nghiệp FDI làm giảm 0,32% vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước trong năm hiện tại và giảm thêm 0,16% trong năm tiếp theo.

Đầu tư công có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, nhưng tác động nhỏ hơn khoảng 3 lần tác động của VPE500 và chỉ có hiệu lực cao trong năm đầu tiên.

Tuy nhiên, Báo cáo VPE500 2023 cũng chỉ ra rằng: Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Nói về thực trạng này, là người trực tiếp cùng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo, TS.Trần Toàn Thắng cho rằng Để lớn mạnh được, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển.

Báo cáo VPE500 2023 nhấn mạnh: cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế”.

Bên cạnh đó, các chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng.

Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Và cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-hieu-viet-nam-van-co-gia-tri-thap-hon-nhieu-quoc-gia-dong-nam-a-post262745.html