Thương lái nợ tiền, nông dân 'khóc ròng'

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra việc thương lái thu mua lúa xong nhưng nợ tiền, thậm chí quỵt tiền khiến nông dân điêu đứng. Tình trạng này không phải là mới mà cứ… đến hẹn lại lên. Dù biết nhiều rủi ro, nhưng nông dân không còn sự lựa chọn.

Mua lúa xong rồi… lặn

Ngày 27/5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý vụ thương lái mua lúa của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời không trả tiền và lặn mất tăm. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan rà soát thông tin được báo chí phản ánh, khẩn trương chỉ đạo xử lý vụ việc theo thẩm quyền, quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31/5.

Theo thông tin phản ánh của người dân, trong vụ lúa hè thu năm 2023, thương lái tên Hồ Minh Hoàng đến nhà người dân thu mua lúa. Do thấy Hoàng là người địa phương, quen biết trước đó nên nhiều người dân tin tưởng, đồng ý bán lúa. Khi thu mua lúa, người dân chỉ nhận được một phần tiền, cá biệt có người chưa nhận đồng nào. Hoàng hứa khi nào bán xong lúa sẽ thanh toán đầy đủ cho, nhưng sau đó cứ khất lần và đến nay không ai liên hệ được với thương lái này.

Vận chuyển lúa ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Vận chuyển lúa ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Ông Dương Văn Phục (ngụ ấp Sào Lưới A, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) cho biết: "Tôi bán lúa cho Hoàng tính ra hơn 100 triệu đồng, nó trả được 30 triệu rồi đến nay không trả nữa. Điện thoại cũng không liên lạc được, hỏi không ai biết nó ở đâu. Tôi phải đi vay tiền để trả tiền mua phân thuốc cho đại lý”.

Tương tự, anh Nguyễn Phương Tính (ngụ ấp 1) cũng bị thương lái Hoàng nợ tiền hàng chục triệu đồng. Anh Tính cho hay: "Vụ lúa hè thu năm 2023, tôi bán 7 tấn lúa cho Hoàng được hơn 53 triệu đồng. Sau khi đem lúa xuống ghe, Hoàng nói cho chở lúa đi rồi sẽ rút tiền về trả tôi ngay, nhưng không thực hiện. Để có tiền trả 20 triệu đồng chi phí cho đại lý, tôi phải đi làm thuê khắp nơi, thậm chí là vay nợ".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có hàng chục nông dân bị Hồ Minh Hoàng nợ tiền mua lúa, người ít thì vài chục triệu, nhiều trên 100 triệu đồng.

Doanh nghiệp lớn cũng nợ

Không chỉ thương lái nhỏ mà mới đây, một doanh nghiệp lớn ở tỉnh An Giang bị nhiều nông dân tố nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa thông qua mô hình liên kết.

Nông dân An Giang trình bày việc bị Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền

Nông dân An Giang trình bày việc bị Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền

Vụ lúa đông xuân vừa rồi, nông dân Nguyễn Đinh Phương (ngụ ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) tham gia liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) 10ha, giống lúa IR504. Sau khi lúa chín, ông Phương thu hoạch rồi bán cho Tập đoàn Lộc Trời với số tiền gần 500 triệu đồng. Hai tháng qua, anh Phương chưa được doanh nghiệp này thanh toán tiền (thời điểm phản ánh với phóng viên).

Bị nợ tiền lúa cũng như bị chủ đất hối thúc trả tiền thuê khiến cuộc sống của anh Huỳnh Sơn Đông (ngụ ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê) lâm cảnh khó trăm bề. "Gia đình tôi thuê 5,8ha đất, tham gia liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời, với giá thuê 32 triệu đồng/ha/năm. Thường thì thu hoạch xong vụ lúa, tôi mới thanh toán tiền thuê đất và các chi phí khác. Vụ vừa rồi, ruộng lúa nhà tôi thu hoạch trên 50 tấn và sau đó Tập đoàn Lộc Trời vẫn còn ghi nợ gần 450 triệu đồng", anh Đông chia sẻ.

Sau khi bị nông dân phản ánh với báo chí và cơ quan chức năng, mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ra thông cáo báo chí thông tin về vụ việc này. Theo đó, vụ đông xuân 2023 - 2024 họ mua hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân, trị giá gần 2.500 tỷ đồng, làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy. Tuy nhiên, tính tới ngày 01/5, họ còn nợ 472 tỷ đồng tiền thu mua lúa của nông dân 5 huyện ở tỉnh An Giang và một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do, theo doanh nghiệp, họ gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, thu tiền từ đối tác mua gạo. Hiện khoản nợ này đã được công ty thanh toán cho các hộ nông dân, sau thời gian thu xếp dòng tiền với đối tác, bán lúa khô và vay ngân hàng.

Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang liên tục đôn đốc công ty đối thoại với bà con nông dân và cam kết thời gian thanh toán, trả lãi tiền nợ mua lúa. Doanh nghiệp này cho biết các khoản chậm trả được họ cam kết trả lãi suất 0,8%/tháng (9,6%/ năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau, mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.

Thời gian qua, giá lúa biến động khiến hoạt động thu mua, kinh doanh và xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời cùng các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Quý I/2024, công ty ghi nhận lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng, tăng lỗ so với mức 81,2 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay tăng cao và rủi ro từ tỷ giá là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tăng lỗ, dẫn đến chậm chi trả tiền cho nông dân.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/thuong-lai-no-tien-nong-dan-khoc-rong_162793.html