Thương lắm cò ơi...!

Ngày ấu thơ, theo nhịp võng kẽo cà, kẽo kẹt là lời ru của mẹ: 'Con cò bay lả bay la…' đưa tôi vào giấc ngủ... Hình ảnh cánh cò theo tôi từ độ ấy. Tôi cũng thương những cánh cò từ độ ấy

Lớn lên một chút, tôi cùng bạn bè kéo nhau ra cánh đồng. Đồng quê mênh mông. Trên cái màu xanh trù phú ấy là những cánh cò chớp trắng chao lượn. Rồi lớn lên chút nữa, tôi được theo mẹ đi cày. Cùng tiếng “tắc, rì” của mẹ, dọc theo đường cày xới đất, những chú cò xinh xắn, bình yên bước từng bước theo những luống cày vừa mở. Những cái mỏ dài màu vàng nghệ mổ xuống những con ốc, cái tép, cái tôm... Tôi lon ton chạy trên bờ, chạy theo mỗi bước cò vừa đi…

Đàn cò về đậu yên bình trên lũy tre làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Đàn cò về đậu yên bình trên lũy tre làng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Tôi lớn lên, cắp sách tới trường. Bố lên đường làm người lính, mẹ ngày ngày đổ từng vạt mồ hôi mặn chát, còng lưng trên mảnh ruộng nuôi tôi ăn học. Đêm đêm sau giờ học, trong dư thanh của gió, của sóng lúa đồng quê, tôi ngủ thiếp đi trong lời ru em diết da của mẹ: “Con cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”…

Tôi ra thành phố học, một chiều nhớ cánh cò không đành lòng được, tôi trở về quê chạy ra đồng. Đồng quê vẫn xanh mênh mông. Nhưng những “cánh cò bay lả, bay la” thì vắng hoe, vắng hoắt. Thảng hoặc mới thấy vài cánh cò lẻ loi chớp trắng tít ngoài mom sông. Đồng quê vắng cánh cò gợi cho tôi một cái gì trống trếnh. Chả trách mấy lâu nay lũy tre sau nhà tôi chẳng còn tiếng cò gọi nhau mỗi sáng, mỗi hoàng hôn. Bố tôi là một người lính. Ông thở dài:

- Chiến tranh, giặc giã, con cò, con chim vẫn ở lại với người, với đất. Đất lành chim đậu. Ấy vậy mà bây giờ…!

Một chiều, em gái tôi vừa đi học về, liền chạy đến bá cổ tôi sùi sụt khóc:

- Anh ơi! Em đi học ngang qua cổng chợ, thấy mấy người mang cò ở đâu về nhiều lắm. Họ ác lắm anh ơi! Mấy người cứ ngồi xổm xúm nhau vặt lông cò. Họ còn dùng bình ga rồi thui cho cò cháy sém. Những con cò bị vặt trụi lông, bị thui dưới lửa đèn khò, vật vã, đập cánh, đạp chân, rướn cổ kêu như đang khóc, nghe thảm lắm anh ạ! Cô giáo em bảo con cò là bạn của đồng quê, của nhà nông, của chúng ta cơ mà. Sao người ta nỡ độc ác với loài chim bạn bè, hiền lành thế hở anh?

Nhìn khuôn mặt giàn giụa nước mắt của em mà tôi không sao trả lời được.

Bây giờ, không phải làng quê nào cũng là chốn neo đậu bình yên của những đàn cò. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Bây giờ, không phải làng quê nào cũng là chốn neo đậu bình yên của những đàn cò. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Một ngày chủ nhật, tôi cùng Nga - cô bạn gái cùng học đại học - từ thành phố Vinh rủ nhau về quê đi tìm lời ru, đi tìm “cánh cò bay lả, bay la…” của tuổi ấu thơ. Không thấy “cánh cò chớp nắng” đâu cả. Hỏi thì nghe nhiều người chép miệng: “Phân hóa học họ rải nhiều thế, thuốc trừ sâu họ phun vô tội vạ, cò đâu còn dám về!”. Mẹ tôi thì lắc đầu:

- Chỉ những điều ấy chưa đủ đâu. Cò bỏ đi là vì cái nạn bẫy cò đấy. Các con ra đồng mà xem. Mỗi cánh đồng chí ít cũng có gần chục cái cồn bằng tre lập nên để bẫy cò. Còn trên đồng nước, họ đắp những mô đất nổi lên. Trên các cồn ấy, những mô đất ấy họ cắm que dính nhựa chi chít vào đó, rồi bắt những con cò sống khâu mắt, cột dây vào chân cho đậu trên nạng gỗ, gọi là cò mồi.

Lại nhặt những cục xốp trắng cắt thành hình con cò cắm trắng xóa trên cồn, giữa đồng. Người đặt bẫy hễ thấy có đàn cò bay tới là dùng dây giật. Con cò mồi đã bị khâu mắt cứ thế xòe cánh vừa kêu vừa nhảy lên, nhảy xuống trên nạng gỗ. Đàn cò thấy vậy, lại thấy những con cò bằng xốp “đậu” trắng trên cồn, tưởng là bạn liền sà xuống đậu. Thế là dính bẫy. Thế đấy các con ạ!

Ông trưởng thôn vừa sang chơi cũng chép miệng kể:

- Cứ như tôi biết, ở vùng quê này, mỗi xã ít nhất cũng có gần một chục cái cồn bẫy cò. Ấy là chưa kể số bẫy cò đắp bằng đất nổi giữa đồng nước. Đồng này nối đồng khác, cồn này nối tiếp cồn kia, cứ như thiên la địa võng. Cò sà xuống đậu cồn ở đồng này nếu chưa dính bẫy, bay sang đồng khác thấy cồn, thấy cò mồi, đậu xuống lại dính.

Cứ thế, cò bay đâu cho thoát! Mỗi năm có hai mùa cò di cư về đây là mùa tháng 3 và mùa tháng 8 âm lịch. Cứ cho mỗi mùa, mỗi cái cồn bắt được trên dưới ngàn con cò, con vạc, vị chi mỗi xã đã có hàng vạn con cò, con vạc bị bỏ vào nồi. Mà cả huyện, cả tỉnh có bao nhiêu xã, có bao nhiêu cánh đồng, có bao nhiêu cồn bẫy cò. Thế nên sẽ có hàng chục vạn, có khi hàng triệu con cò, con vạc bị bắt, bị giết? Còn gì là môi sinh, môi trường nữa cháu!

Tôi choáng cả người. Hèn chi cò sợ người, trốn chạy con người! Hèn chi cánh đồng vắng hẳn bóng cò. Một sáng, tôi và Nga bèn đi ra cánh đồng gần biển. Hai đứa đứng trên con đê biển. Mặt biển đang hừng lên màu hồng bình minh. Bỗng Nga chỉ tay ra phía bờ sóng. Một đàn cò hàng chục con đang bay từ phía biển vào. Những cánh cò chấp chới. Hình như chúng đã mỏi cánh lắm. Có một con bay như đang chúi xuống, thì có hai con khác bay đến kêu líu ríu như đang động viên bạn.

Con cò vừa chúi xuống hình như được bạn động viên đã gượng được, gắng bay lên. Phía trong đê trên cánh cánh đồng là những cái cồn xanh đầy những con cò trắng đang “bình yên” đậu. Một vài con đang chớp cánh nhảy lên kêu ríu rít như chào đón. Đến nơi rồi! Cả đàn cò hàng chục con bay đến sà xuống đậu…

Thương lắm, cò ơi!!! Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Thương lắm, cò ơi!!! Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Chúng đâu biết chúng đang rơi vào những cái cồn cạm bẫy đang chực chờ. Rồi những con cò đã mệt nhoài, đã mỏi cánh ấy dính nhựa. Con thì rơi xuống, con thì vỗ cánh đành đạch mà không sao thoát khỏi những thẻ nhựa đang dính chặt. Một vài con may mắn nhựa không dính vào cánh, bay thoát được, thẻ nhựa còn dính trên lưng. Chúng bay lên, thấy cái cồn bên có cánh cò đang chớp trắng vẫy gọi, lại sà xuống. Lại dính. Lại rơi rụng. Lại bị những kẻ săn mồi chạy đến bắt nhốt vào lồng. Tiếng kêu thảm thiết của hàng chục con cò trong những cái lồng bằng tre, bằng thép đan như đang rên xiết, như đang kêu cứu…!

Thương lắm, cò ơi!!!

Nguyễn Xuân Diệu

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoc/thuong-lam-co-oi/238322.htm