Thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, sức mua của người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn, 5 tháng đầu năm, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đây chính là điểm sáng đáng ghi nhận.
Bình Dương vừa tổ chức chương trình “Tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh” năm 2024 tại TP. Hồ Chí Minh
Tăng trưởng hơn 13%
Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2024 ước đạt 28.351 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng năm 2024 ước đạt 137.623 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Hoạt động TM-DV trong những tháng đầu năm chuyển biến tích cực. Các trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các chương trình khuyến mại thu hút đông người dân tham quan, mua sắm cả trên các kênh trực tuyến và truyền thống.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong năm 2024, ngành công thương tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch đột phá về phát triển TM-DV mà tỉnh có lợi thế. Trong 5 tháng đầu năm, Bình Dương cũng tăng cường triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trong tỉnh tham gia nhiều hoạt động kết nối cung - cầu để tiếp cận, mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập. Các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, tập huấn, kết nối giao thương, kết nối cung - cầu, tiếp xúc các nhà nhập khẩu, phân phối trong và ngoài nước thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, ngành công thương cũng đẩy mạnh một số dịch vụ trọng tâm như triển lãm, logistics, khuyến khích các DN tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Để đóng góp chung vào tăng trưởng TM-DV, các DN thuộc các thành phần kinh tế đều có nhiều nỗ lực. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khu vực kinh tế trong nước đạt 130.654 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.969 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Lớt, Giám đốc Trung tâm thương mại Aeon Mall, cho biết thời gian qua, trung tâm triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi lớn đã góp phần thu hút người tiêu dùng, kích cầu hàng Việt, tăng doanh thu, đặc biệt là các đợt cao điểm mua sắm dịp lễ, tết… Trung tâm cũng tăng cường các ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh thương mại điện tử.
Hàng hóa trên thị trường tỉnh phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại trung tâm thương mại AEON. Ảnh: THANH HỒNG
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) Nguyễn Thúy Hằng, cho biết thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương, trung tâm đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tạo cơ hội để các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh quảng bá tiềm năng, lợi thế, thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, phát triển, mở rộng thị trường. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, trung tâm tổ chức đoàn DN tham gia Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Đồng Tháp, triển lãm sản phẩm tiêu biểu Việt Nam - Hàn Quốc, các phiên chợ hàng Việt… Đặc biệt, trung tâm đã tổ chức thành công chương trình “Tuần lễ kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh” năm 2024 tại TP.Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh
Bình Dương là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều DN sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, TM-DV... Điều này thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, hình thành các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo), cho biết trước khó khăn chung của thị trường tiêu thụ, hợp tác xã đẩy mạnh đa dạng các hình thức bán hàng qua các kênh thương mại, các ứng dụng mạng xã hội, thanh toán đa kênh trên website… để tối ưu hóa các tiện ích dành cho khách hàng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay mua sắm, bán hàng trực tuyến đã trở thành hình thức phổ biến của sản xuất, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. 5 tháng đầu năm, Sở Công thương đã phối hợp đăng tải dữ liệu, đến nay đã cập nhật 558 DN với 3.060 sản phẩm lên sàn thương mại điện tửtỉnh, lượt truy cập trung bình đạt 4.082 lượt (lũy kế 129.363 lượt). Đồng thời, sở cũng đã đăng ký đề án chương trình thương mại điện tửquốc gia năm 2025.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết song song với tiến trình chuyển đổi số, để có thể nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, địa phương chú trọng đến yếu tố tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn. Sở Công thương hỗ trợ phát triển, tìm kiếm đầu ra cho những sản phẩm xanh theo xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững. Các DN cũng ý thức rõ việc sản xuất xanh, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới kinh tế xanh, bền vững.