Thương mại – dịch vụ trên đà tăng tốc

Với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, Quảng Ninh đã kết nối thành công các điểm trung tâm thương mại – dịch vụ trên toàn tỉnh.

Phát triển hạ tầng giao thông

Hiện toàn tỉnh có 480km Quốc lộ;461km tỉnh lộ;5.016km đường (huyện, xã, thôn, xóm) và 29 tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia, 15 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý... cùng hệ thống cảng biển, cửa khẩu, sân bay quy mô lớn.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành 176km đường cao tốc từ đầu đến cuối tỉnh, mở ra cửa ngõ giao thương với Trung Quốc. Mảnh ghép cuối cùng là tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 80,23km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 120km/giờ. Đây là con đường góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đồng bộ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển... Đặc biệt là đẩy mạnh giao thương giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam với thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái

Cũng chính nhờ đó nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ trong và ngoài nước đã có mặt tại Quảng Ninh như: Go Hạ Long (Big C cũ), Điện máy HC, Media mart, Vincom Center…Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 120 cửa hàng tiện ích, 27 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP. Trên địa bàn tỉnh còn có 9 cơ sở bán buôn và 268 cơ sở bán lẻ rượu, 32 cơ sở bán buôn và 414 cơ sở bán lẻ thuốc lá, 5 trạm chiết nạp và 534 cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏn; 5 thương nhân đầu mối, 8 thương nhân phân phối cùng 115 doanh nghiệp và 220 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử ở Quảng Ninh cũng đang phát triển mạnh mẽ nhờ hệ thống giao thông, kho bãi, logistics thuận tiện. Hiện trên địa bàn tỉnh có 144 website về thương mại điện tử, trong đó có 138 website có chức năng bán hàng, 6 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tửnhư: Postmart.vn, Voso, Sendo, Tiki và 2 sàn giao dịch địa phương.

Nâng cao giá trị thương mại - dịch vụ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 10,21%; khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng 8,96%; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, tăng 14,35.

Về định hướng phát triển thương mại, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển thương mại đồng bộ, đa dạng; hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Giai đoạn 2022-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm và đóng góp khoảng 10-12%/năm giai đoạn 2026-2030; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân từ 15-16%/năm.

Chợ Hạ Long 1 tấp nập khách du lịch đến thăm quan mua sắm

Chợ Hạ Long 1 tấp nập khách du lịch đến thăm quan mua sắm

Giai đoạn 2031-2045, tỉnh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm; đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống.

Khai thác lợi thế biên mậu

Tận dụng lợi thế biên giới, cửa khẩu, ngoài đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... tỉnh còn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Hệ thống các trung tâm dịch vụ xuất, nhập khẩu quốc gia và quốc tế đã được hình thành thông qua các hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và các khu kinh tế cửa khẩu biên giới đường bộ Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh. Tỉnh có 5 cảng biển, 1 cảng hàng không và 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng dọc tuyến biên giới đường bộ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất đã được công bố, có đầy đủ các lực lượng chức năng, được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Thời gian tới tỉnh cũng tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kho bãi tại khu vực biên giới phục vụ hoạt động kinh doanh như: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh; dự án Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á Thái Bình Dương (giai đoạn 1); nghiên cứu và triển khai Đề án thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái nhằm mở rộng sự giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, là động lực trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế khu vực Việt Nam - Trung Quốc và ASEAN… qua đó, góp phần khai thác lợi thế biên mậu, đẩy mạnh hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ.

Có thể khẳng định, phát triển hạ tầng giao thông không những tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn là điều kiện quan trọng để việc giao thương được mở rộng. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và những định hướng phát triển hạ tầng giao thông hợp lý trong thời gian tới của ngành giao thông sẽ đóng góp không nhỏ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Việc phát triển thương mại – dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh đang được sự hậu thuẫn tích cực từ việc phát triển các hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển du lịch hiện đại, chuyển đổi số toàn diện...

Tiến Dũng - Thùy Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-mai-dich-vu-tren-da-tang-toc-225935.html