Thương mại điện tử len lỏi mọi ngóc ngách đời sống

Chưa bao giờ thương mại điện tử len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống như hiện nay; thời gian tới, thương mại điện tử hướng tới thúc đẩy xuất khẩu để đưa sản phẩm 'Made in Vietnam' vươn ra thị trường toàn cầu.

80% người dùng internet đã mua sắm trực tuyến

Tại tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14.8, PGS.TS. Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%.

“Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết.

Thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, tiềm năng phát triển còn rất rộng lớn. “Khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến. Hoạt động thương mại điện tử cứ lan tỏa như thế trong người dân, người tiêu dùng; có sức hút mạnh với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể, giúp họ phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô lớn”, bà Lại Việt Anh nói.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khánh Duy

Bên cạnh đó, rào cản gia nhập thị trường trong môi trường điện tử thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí hướng ra thị trường nước ngoài.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, thương mại điện tử là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế số, đóng góp lớn cho tăng trưởng. “Riêng TP. Hồ Chí Minh có hơn 90.000 người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của địa phương này. Cả nước có lẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm thương mại điện tử. Chưa có con số cụ thể nhưng qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu tính cả việc làm gián tiếp thì có lẽ hàng triệu”. Cũng theo vị chuyên gia này, thương mại điện tử đóng góp cho ngân sách ngày càng cao. Năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 100.000 tỷ đồng và những con số này chắc chắn trên thực tế còn cao hơn.

Hướng tới xuất khẩu

Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản…, dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn; bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ước tính xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.

“Tối ưu hóa tiềm năng thương mại điện tử là bài toán đường dài. Tôi muốn nói đến định hướng của kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ. Theo đó, thương mại điện tử sẽ hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu”, bà Lại Việt Anh cho biết.

Cần cơ chế, chính sách thuận lợi cho thương mại điện tử

Cần cơ chế, chính sách thuận lợi cho thương mại điện tử

Bên cạnh đó, những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung phải hướng đến phát triển bền vững vì xu hướng tiêu dùng xanh đang nổi trội trên toàn thế giới. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hóa, bảo đảm được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải… Chúng ta giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hóa quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình của sản xuất… Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chúng ta có thể hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, các nền tảng thương mại điện tử, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, các doanh nghiệp phải hiểu thương mại điện tử và cách tiếp cận thương mại điện tử qua các kênh; đồng thời phải nắm bắt được xu hướng tiêu dùng và bắt kịp xu hướng đó. "Cách tiếp cận của chúng tôi hiện tại là hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành để liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ sở sản xuất; hướng dẫn và cập nhật các phương pháp kinh doanh, các cách tiếp thị, các công cụ vận hành hiệu quả nhất. Đồng thời, phải tạo được liên kết với các chuỗi cung ứng, đến các nhà sản xuất, các nhà phân phối, kho bãi…", ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

TS. Võ Trí Thành lưu ý, trong quá trình phát triển thương mại điện tử, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bị bỏ lại phía sau.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/thuong-mai-dien-tu-len-loi-moi-ngoc-ngach-doi-song-i384120/