Thương mại năng lượng sạch tại ASEAN đang có nhiều thuận lợi

HNN - Tờ The Business Times ngày 27/5 đăng tải bài viết cho hay, ngay cả khi thị trường năng lượng toàn cầu phải đối mặt với tình trạng bất ổn, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ở vị thế thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất năng lượng xanh và thương mại năng lượng xanh trên toàn khu vực.

Mạng lưới điện ASEAN không chỉ giúp giảm phát thải carbon, mà còn bảo vệ khu vực khỏi những cú sốc năng lượng. Ảnh minh họa: PIXABAY

Mạng lưới điện ASEAN không chỉ giúp giảm phát thải carbon, mà còn bảo vệ khu vực khỏi những cú sốc năng lượng. Ảnh minh họa: PIXABAY

Cụ thể, theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember, trong giai đoạn 2010 - 2020, chi phí điện gió và điện mặt trời đã giảm lần lượt 55% và 85%. Ước tính đến năm 2030, năng lượng gió và mặt trời dự kiến sẽ tạo ra từ 23 - 25% điện năng ở ASEAN, tăng từ mức 4% hiện nay.

Cũng theo Ember, hạn chế chính của cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời là tính không liên tục, do sự thay đổi về lượng ánh sáng mặt trời và gió. Ngoài ra còn có nguy cơ cắt giảm, khi lượng điện được tạo ra phải hạn chế vì cơ sở hạ tầng lưới điện chưa được phát triển đầy đủ.

Tuy nhiên, những hạn chế như vậy tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu và thương mại năng lượng tái tạo, như một phần của “lưới điện ASEAN” rộng lớn hơn, một khái niệm đã được đưa ra từ năm 1997 và chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Hiện đã có 2 dự án đa phương lớn, bao gồm: Dự án Tích hợp điện lực Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS - PIP) được khởi động vào năm 2022, và Dự án Tích hợp điện lực Brunei Darussalam - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP - PIP) được công bố vào năm 2023. Các dự án song phương cũng đang được triển khai, chẳng hạn như thỏa thuận của Công ty điện lực Malaysia Sarawak Energy về một dự án thủy điện có thể cung cấp cho Singapore 1 GW điện xanh.

“Bằng cách liên kết các lưới điện quốc gia, các quốc gia có thể chia sẻ nguồn năng lượng sạch xuyên biên giới, giảm thiểu rủi ro cắt giảm và giảm sự biến động từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên một khu vực địa lý rộng lớn hơn”, Ember nhấn mạnh trong báo cáo.

Nhóm nghiên cứu cũng ước tính, một lưới điện khu vực có thể bổ sung thêm 24 GW công suất năng lượng mặt trời và 5,6 GW công suất năng lượng gió tại ASEAN. Điều này có thể nâng mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của khối thêm 0,8 điểm phần trăm lên mức 4,6%, đồng thời tạo thêm 182.000 việc làm.

Tuy nhiên, lưới điện ASEAN chỉ có thể thành hiện thực nếu có ý chí chính trị mạnh mẽ, một bộ quy định chung và sự đầu tư đầy đủ. Việc lấp đầy khoảng cách tài chính sẽ đặc biệt khó khăn vì nhiều nhà đầu tư tránh các dự án lưới điện khu vực do quá phức tạp và tốn quá nhiều thời gian.

Nhìn chung, lợi ích kinh tế từ thương mại năng lượng sạch trong khu vực ASEAN là điều không thể phủ nhận. Trong bối cảnh không chắc chắn của thị trường năng lượng toàn cầu, một mạng lưới điện ASEAN không chỉ có thể giúp khu vực này giảm phát thải carbon, mà còn bảo vệ khu vực khỏi các cú sốc năng lượng.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/thuong-mai-nang-luong-sach-tai-asean-dang-co-nhieu-thuan-loi-154039.html