Thương nhân xuất khẩu ngày càng tận dụng tốt hơn các FTA

Cùng việc tham gia FTA, hoạt động xuất khẩu sử dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ ưu đãi của doanh nghiệp Việt có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.

- Với công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa, giai đoạn vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai những hoạt động gì, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thu Hiền: Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa, từ khi Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa ra đời, Cục Xuất nhập khẩu chú trọng triển khai, đảm bảo chất lượng và thời gian đối với công tác đàm phán hiệp định mới, nâng cấp hiệp định đã ký kết; công tác xây dựng cơ chế chính sách, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác thực thi cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), xác minh xuất xứ, phổ biến và giáo dục pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Năm 2025, mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 10-12% so với năm 2024. Ảnh: M.H

Năm 2025, mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 10-12% so với năm 2024. Ảnh: M.H

Thứ nhất, về công tác đàm phán xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương, Cục Xuất nhập khẩu là đơn vị chủ trì đàm phán về cách xác định xuất xứ, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế xác minh xuất xứ và quy tắc cụ thể mặt hàng.

Việc xây dựng phương án đàm phán được rút kinh nghiệm, thực hiện ngày càng bài bản, đặc biệt là công tác tham vấn cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan. Kết quả tham vấn trong quá trình xây dựng và triển khai phương án đàm phán đã phát huy rõ nét ở một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và ngành hàng.

Cụ thể, với Hiệp định EVFTA, việc tham vấn tốt và phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội như Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày - Túi xách, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đã đem lại bước tiến khi Việt Nam đạt được một số quy tắc linh hoạt, phù hợp với bản chất hàng hóa và trình độ sản xuất mặt hàng dệt may, thủy sản, da giày tại Việt Nam. Điều này được nhiều bên đánh giá rất cao về công tác phối hợp và cách làm việc chuyên nghiệp.

Gần đây, Cục Xuất nhập khẩu tích cực, chủ động đề xuất xây dựng phương án đàm phán hiệp định mới như FTA Việt Nam-Israel (VIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (CEPA).

Ngoài ra, Cục tiếp tục tham gia các hiệp định cùng ASEAN như FTA ASEAN - Canada (ACaFTA), nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN -Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)...

Thứ hai, về công tác xây dựng cơ chế chính sách, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Xuất nhập khẩu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tạo môi trường để các tổ chức cấp C/O cũng như doanh nghiệp có quy định cụ thể và minh bạch trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, chế tài xử phạt hành vi gian lận xuất xứ rất được chú trọng. Năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu chủ trì tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa gồm: Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2014/TT-BCT ngày 25/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc;

Thông tư số 02/2024/TT-BCT ngày 15/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2015/TT-BCT ngày 24/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand.

- Thưa bà, thời gian vừa qua, công tác cấp C/O được triển khai ra sao?

Bà Trịnh Thị Thu Hiền: Việc cấp C/O ưu đãi được thực hiện theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2021 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 44/2023/TT-BCT ngày 29/12/2023 và các thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ theo các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: N.H

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: N.H

Năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ C/O ưu đãi với trị giá hơn 100 tỷ USD, tăng 28% về trị giá và 18% về số lượng C/O so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA). Tôi cũng xin lưu ý rằng tỷ lệ cấp C/O tại nước xuất khẩu không hoàn toàn phản ánh tỷ lệ sử dụng C/O tại nước nhập khẩu và tỷ lệ tận dụng FTA.

Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trung bình 28% không có nghĩa là 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao bởi thuế nhập khẩu tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0%. Hơn nữa, con số 28% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O, từng thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 28% cho thấy đây là một kết quả tích cực, thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi FTA.

Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp C/O điện tử các mẫu AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đã thực hiện truyền dữ liệu C/O điện tử. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu đang trong quá trình trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với Liên minh Kinh tế Á - Âu để triển khai việc trao đổi dữ liệu C/O EAV điện tử.

Đối với những nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi hoặc hậu kiểm, xác minh xuất xứ hàng hóa.

- Công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa và giáo dục pháp luật về xuất xứ được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thu Hiền: Công tác xác minh xuất xứ được thực hiện theo Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018 quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Triển khai thông tư nêu trên, Cục Xuất nhập khẩu luôn nêu cao tinh thần chủ động và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khi có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện lô hàng mượn xuất xứ Việt Nam. Trong trường hợp hàng hóa đáp ứng xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ quá trình xác minh để C/O được chấp nhận, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng có thể khiến vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ. Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế; đồng thời kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời.

Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan. Với hành lang pháp lý là Nghị định 31/2018/NĐ-CP và một loạt các thông tư hướng dẫn; cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt.

Ngoài các giải pháp chủ yếu nêu trên, Bộ Công Thương chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Biện pháp này được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và ghi nhận.

Xin cảm ơn bà!

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu trên thế giới với các cam kết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA và CPTPP. Đây được xem là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình từ 22 - 23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023 (11 tháng năm 2024 đã đạt 369,9 tỷ USD).

Trong các FTA mà Việt Nam tham gia, xuất xứ hàng hóa luôn là một nội dung quan trọng mà các nước thành viên cần đàm phán thống nhất nhằm đảm bảo tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA. Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ các FTA có thể chênh lệch từ 10% đến 40% so với thuế MFN giữa các nước thành viên WTO.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-nhan-xuat-khau-ngay-cang-tan-dung-tot-hon-cac-fta-371986.html