Thương nhớ Mười Hai
Gọi 'Thương nhớ Mười Hai' của nhà văn Vũ Bằng là danh tác Việt Nam bởi nó không chỉ là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam mà còn chứa đựng bên trong cả hồn cốt văn hóa của người Việt. Dù không nói ra nhưng những gì Vũ Bằng viết trong tác phẩm đều thể hiện niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước và tình yêu da diết về một Hà Nội đẹp đến nao lòng…
“Thương nhớ Mười Hai” nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục sinh hoạt của con người miền Bắc. Tác phẩm góp nhặt nhiều ký ức, tình yêu sâu đậm về Hà Nội xưa, khi tác giả đứng trước một ngày nắng oi ả của Sài Gòn lại thèm cái se lạnh của gió bấc, ăn trái cây miền Nam mà nghe mùi vị của mận Thất Khê, nhãn Hưng Yên...
Cuốn sách gồm 14 phần, phần thứ nhất “Tự ngôn” và phần cuối viết về tết “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh”, còn lại viết về “mười hai tháng của mười hai tiết trời, sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ”. Cụ thể: Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai tương tư hoa đào; Tháng Ba rét nàng Bân; Tháng Tư mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín gạo mới chim ngói; Tháng Mười nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng Mười Một thương về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng Chạp nhớ ơi chợ tết.
Đọc từng trang sách, độc giả như thấy hiện lên tất cả những gì thân thuộc nhất và đặc trưng nhất của mỗi tháng mà như ông bà ta vẫn nói “mùa nào thức ấy”.
Với cái nhìn tinh tế, câu chữ chọn lọc, chi tiết cực kỳ đắt, khai thác tối đa văn hóa, cảnh sắc rất riêng ở miền Bắc, “Thương nhớ Mười Hai” là một bức tranh đẹp về 12 tháng trong năm mà tháng nào cũng đẹp và đáng yêu. Không gian văn hóa của người Hà Nội xưa được ông vẽ nên bằng ngòi bút thấm đẫm tình yêu và nỗi nhớ. Đọc “Thương nhớ Mười Hai”, hầu như ai cũng sẽ ấn tượng về một tác phẩm đã khơi dậy tình yêu quê hương như nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Những ai đương ở phương trời, đọc Thương nhớ Mười Hai, ai mà không có một cái quê để nhớ”.
Độc giả Hoàng Sơn ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài bày tỏ cảm nhận: “Tôi ấn tượng với “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng từ những đoạn trích trong sách Ngữ văn: “Mùa xuân của tôi là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa”. Chỉ một câu văn thôi mà bao trùm cả một mùa xuân miền Bắc. Hay cách tác giả tái hiện thời gian qua từng tháng, từng mùa trong năm như là mùa xuân sum họp, mùa hạ hoài niệm, mùa thu chia ly, mùa đông trở về. Mùa nối mùa, từng mảnh ghép ký ức của ông như mở ra trước mắt người đọc. Thích nhất vẫn là những câu văn mà cũng vừa là thơ, nhiều hình ảnh nhưng có vần điệu, ngôn từ bình dị: “Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ thương con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Đọc văn mà cứ ngỡ như đọc thơ vậy. Đọc “Thương nhớ Mười Hai” giúp tôi - một người trẻ - thêm trân trọng văn hóa, thiên nhiên đất nước mình, trân quý thêm giá trị truyền thống của dân tộc ta”.
Trong cuốn sách “Thương nhớ Mười Hai”, Vũ Bằng đã nhắc đến rất nhiều phong tục xa xưa, gần gũi của các gia đình ngày tết như: không quét nhà, kiêng không làm vỡ chén, ly, không được khâu vá vì kim chỉ tượng trưng cho công việc làm ăn vất vả… Nhắc đến những món ngon của người Hà Nội, ông thể hiện là một người sành ăn khi miêu tả 4 loại hồng, hay miêu tả cách chế biến mà người đọc có thể tưởng tượng đến căn bếp ngào ngạt hương thơm với bàn tay người nội trợ khéo léo như xem chương trình quảng bá ẩm thực.
Được đánh giá là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất viết về Hà Nội, “Thương nhớ Mười Hai” đã từng được nhiều nhà xuất bản ấn hành. Cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng, thi vị. Ðọc không chỉ để biết thêm về văn hóa của dân tộc, mà còn để yêu, để lưu luyến, để ước mong một lần được đến. “Thương nhớ Mười Hai” là cuốn cẩm nang cần thiết đối với những bạn trẻ khi muốn du lịch, khám phá cuộc sống của người Hà Nội. Mời quý độc giả tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc.
Chuyên mục “Sách - Người bạn tốt” xin chúc mừng độc giả Nguyễn Minh Hiếu, số 50, đường Tiên Sơn 7, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã được nhận quà vì có câu trả lời đúng trong tháng 11.
Câu hỏi có thưởng tháng 12: Bạn cho biết một số tác phẩm tiêu biểu của Vũ Bằng?
Chương trình sẽ nhận câu trả lời trong vòng 7 ngày, tính từ ngày đăng tải trên Báo Bình Phước. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email: sachhaybptv@gmail.com, hoặc gửi thư về “Chuyên mục Sách - Người bạn tốt, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nội dung email ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục gửi quà tặng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/54/166581/thuong-nho-muoi-hai