Thương nhớ những dòng kênh nhọc nhằn

Ở tuổi 90, chuyên gia thủy lợi Phan Khánh vừa ra mắt cuốn hồi ký 'Những dòng kênh nhọc nhằn, những con người thương nhớ' do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Đây là bằng chứng cho một đam mê cầm bút, vì ngoài những cuốn sách nghiên cứu, ông còn có hơn chục tác phẩm văn chương bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ.

1. Chuyên gia thủy lợi Phan Khánh sinh năm 1934 tại Hương Sơn - Hà Tĩnh. Ông không chỉ là một kỹ sư cao cấp, mà còn là một cây bút uy tín trong ngành nông nghiệp. Về nghề nghiệp được đào tạo, ông có những cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về ngành thủy lợi, như “Bác Hồ với thủy lợi”, “Chinh phục những dòng sông”, “Doanh nhân thủy lợi” hoặc “Hồ Dầu Tiếng - Lịch sử một công trình”.

Cuốn sách mới nhất “Những dòng kênh nhọc nhằn, những con người thương nhớ” gói ghém kỷ niệm cả cuộc đời cống hiến cho ngành thủy lợi của ông. Bằng nguồn tư liệu dồi dào và cách kể chuyện sinh động, cuốn sách giúp công chúng hình dung tương đối rõ nét về sự xuất hiện của các công trình thủy lợi nổi tiếng như Bắc Hưng Hải, Kẻ Gỗ, Tam Hiệp, Dầu Tiếng, Phú Ninh, Nước Trong, Sông Tranh… gắn với những nhân vật Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Cảnh Dinh, Hà Kế Tấn, Đinh Gia Khánh.

Phan Khánh rất hứng thú với văn chương. Từ năm 1962, ông đã có tiểu thuyết “Làng ven đê” được công chúng đón nhận. Dù cuộc đời trải qua những thăng trầm khác nhau, ông vẫn lặng lẽ viết, ông vẫn miệt mài viết. Đó là một thái độ vừa nghiêm túc vừa ân cần với chữ nghĩa.

Nhìn ở góc độ sáng tạo, tác giả Phan Khánh có 2 mảng đề tài nổi bật. Thứ nhất, ông khai thác kiến thức thủy lợi của mình để chuyển hóa thành tác phẩm, thí dụ tiểu thuyết “Người đào kênh Vĩnh Tế” hoặc tiểu thuyết “Tráng sĩ Ngàn Trươi”. Thứ hai, ông chưng cất đam mê nghiên cứu lịch sử của mình để đưa vào trang văn, thí dụ tiểu thuyết “Thanh gươm kẻ sĩ” hoặc tiểu thuyết “Đỗ Thích kỳ án”.

Tuy nhiên, ông còn có một thế mạnh nữa là trí nhớ siêu phàm. Những vùng đất ông từng đi qua, những con người ông từng gặp, những sự vật ông từng thấy… đều được sắp xếp ngăn nắp và trật tự trong từng ngăn kéo ký ức của ông. Vì vậy, mỗi lần Phan Khánh mở ngăn kéo ký ức thì từng câu chuyện nối nhau bước vào văn chương.

Cuốn sách “Làng quê buồn vui thương nhớ” dày 450 trang, với 18 câu chuyện xảy ra ở vùng nông thôn Hà Tĩnh từ năm 1940 đến năm 1954, mang lại cho độc giả một góc nhìn về lịch sử và con người giai đoạn đất nước nhiều biến động. Cái hay của “Làng quê buồn vui thương nhớ” không nằm ở văn phong, mà nằm ở chi tiết.

Đọc “Tuần lễ vàng sau lũy tre”, “Những gợn mây đen giữa bầu trời trong sáng” hoặc “Những tiếng sấm đằng xa vọng về”… vừa thấy tức cười vừa thấy xót xa. Như gã thợ may Chắt Triêm đang tắm sông thì dân quân ập đến bắt do mặc cái quần đùi có ba màu xanh trắng đỏ như màu cờ Pháp nên bị nghi ngờ “làm ám hiệu cho địch ném bom”.

2. Một mảng tương đối thú vị, không chỉ đối với người đọc văn chương mà còn đối với cả giới nghiên cứu sử học, đó là ký ức của Phan Khánh về cải cách ruộng đất. Câu chuyện của địa chủ Hồ Lê bây giờ nhắc lại cứ ngỡ sản phẩm tưởng tượng.

Vì sở hữu đôi liễn khảm xà cừ với vế đối “Vó ngựa Đằng Giang xin nối gót / Thanh gươm Phù Đổng quyết ra tay” do thân phụ để lại từ đầu thế kỷ 20, nên địa chủ Hồ Lê bị hạch tội: “Mi chống Đảng mà còn cổ động hủy diệt Đảng. Chẳng phải mi muốn lấy vó ngựa của thằng Đặng Giang nào đó để xéo Đảng. Lại còn hô hào thằng Phù Đổng nào đó ra tay cầm gươm chém Đảng”.

Sau tiểu thuyết “Hoàn chỉnh sai”, chuyện đời ngọt đắng lại tiếp tục được Phan Khánh đưa vào bộ tiểu thuyết 2 tập “Khu tập thể bờ sông”. Tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” có cả thảy 7 chương, miêu tả cuộc sống Hà Nội từ sau ngày giải phóng Thủ đô đến giai đoạn đổi mới đất nước.

Nhân vật chính Hân là một trí thức quê choa đã dự phần vào bối cảnh ấy, háo hức dự phần, ngỡ ngàng đón nhận và lắm phen bẽ bàng chịu đựng những sự đổi thay của thế sự, những sự trái ngang của lòng người. “Khu tập thể bờ sông” là một không gian sinh động bởi những con người bình thường, không cao sang và cũng không thấp hèn.

Tác phẩm nằm giữa 2 thái cực “trong đê” và “ngoài đê”. Tác giả miêu tả “trong đê là phố xá xây cất khang trang đẹp đẽ, đường đi lối lại rải nhựa phẳng lỳ, tuy còn lưu lại nhiều kiến trúc cổ nhưng cũng rõ nét văn minh” và “ngoài đê là thế giới của những kẻ dưới đáy xã hội, làm thuê, phu phen, con đòi con ở hạng dưới không được ăn ngủ trong nhà của chủ”.

Tuy nhiên, cái sự êm ả của “Khu tập thể bờ sông” cũng bao phen sóng gió khi sự tham lam của một vài viên chức thúc thủ trước cám dỗ vật chất và quyền lực. Cuống cuồng với danh lợi, người tốt và người xấu chỉ còn lằn ranh mong manh, cái cao thượng im lặng trước cái đê hèn, cái trung thực sợ hãi trước cái tinh quái, cái trong trắng ngã quỵ trước cái suy đồi.

Cũng may, nhân vật chính Hân và nhiều người tử tế khác, vẫn chọn ngõ hẹp bình yên của riêng họ. Gắng gượng tồn tại, bền bỉ lao động và khao khát vươn lên.

3. Tác giả Phan Khánh không hề có tham vọng trở thành nhà văn, hay được xưng tụng bởi tác phẩm kiểu nọ kiểu kia. Ông viết với mục đích rất đơn giản là chia sẻ những câu chuyện của đời mình, để giới trẻ hôm nay hiểu thêm những ngày cha ông đã nếm trải, đã thành công và đã va vấp ra sao.

“Khu tập thể bờ sông” không thua kém gì một bộ phim tài liệu đặc sắc về một thời gian khó mà kiêu hãnh, về một thời xót xa mà hồn nhiên. Mỗi chương của tiểu thuyết được đặt một cái tên riêng. Mở đầu là “Hà Nội năm nao” rồi tiếp đến “Trường cao đẳng giao thông công chính”, “Chào 61, đỉnh cao muôn trượng”, “Rất anh hùng giữa thế kỷ 20” và khép lại “Bốn ngàn năm ta vẫn là ta”. Mỗi chương có thể đứng riêng thành một tác phẩm, nhưng cộng lại với nhau phác thảo được một giai đoạn khó quên của dân tộc.

Một tác phẩm tiêu biểu khác của Phan Khánh là tiểu thuyết “Đỗ Thích kỳ án”. Hơn 300 trang sách, tác giả đã tái hiện không gian văn hóa và số phận con người của một giai đoạn nhiều thăng trầm và nhiều oan khiên. Kết cấu chương hồi khiến “Đỗ Thích kỳ án” có sức hấp dẫn riêng.

Từ loạn 12 sứ quân đến khi Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên làm vua với thái hậu Dương Vân Nga buông rèm nhiếp chính, được kể khá lôi cuốn qua chi tiết vừa minh định vừa giải thiêng lịch sử. Đỗ Thích được lịch sử cho là người đã ám sát vua Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn, dẫn sự kết thúc của nhà Đinh, mở đầu nhà Tiền Lê, cũng như gây ra cái cớ cho việc xâm lược Đại Cồ Việt bất thành của nhà Tống.

Tuy nhiên, cả Đại Việt sử lược lẫn Đại Việt sử ký toàn thư đều không ghi chép gì về thân thế của Đỗ Thích. Theo cách phân tích của Phan Khánh, Đỗ Thích là gián điệp nhà Tống. Ông không giấu giếm mong muốn cung cấp cho thế hệ trẻ một cách gì khác về quá khứ một cách mềm mại và trân trọng.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thuong-nho-nhung-dong-kenh-nhoc-nhan-post114628.html