Thương những mùa xoan tím

Tôi trở về quê, một ngôi làng Bắc bộ. Giữa tháng Ba âm lịch, cái rét nàng Bân ngọt ngào. Đó cũng là đợt rét cuối cùng của miền Bắc trước khi chuyển sang mùa hè. Làng tôi giờ không còn cây gạo đầu làng như xưa nữa, nhưng hoa xoan thì vẫn còn lác đác trên những bờ đập ven sông.

Hoa xoan.

Hoa xoan.

Ngắm nhìn những cây xoan hiện tại, tôi không khỏi bâng khuâng. Làng quê ngày xưa, một vùng đất rộng rãi với cây cối xanh tươi, giờ chỉ còn lại những con đường chật chội, những ngôi nhà chen chúc. Đất đai không còn rộng lớn, vườn tược không còn đủ chỗ cho những cây xoan mọc tự do. Làng quê thay đổi hiện ra sau mỗi lần trở về. Cùng với sự tự hào, trong lòng vẫn có chút gì như day dứt một nỗi niềm thương nhớ.

Ngày xưa, nhiều gia đình có vườn rộng thường trồng vài ba cây xoan, đặt chúng ở cuối vườn hoặc phía sau nhà. Cũng có khi cây xoan tự mọc sát đốc nhà, lớn dần, gốc cây vòng tay ôm không hết… Đến tháng Ba, hoa xoan nở tím biếc. Tôi còn nhớ những buổi chiều, khi hoa xoan nở rộ, góc trời tím biếc, phía dưới là một mái nhà bà ngoại, lợp rơm… Phong cảnh đẹp nhưng buồn. Giờ đây, khi đất chật người đông, vườn không còn, xoan chỉ còn lác đác mọc ven đường, mọc hoang dại ở những bờ đập hay bên cạnh mương nước, không còn những hàng cây xoan rợp bóng như trước. Tất cả chỉ còn lại là những cây xoan dại mọc lên từ những hạt giống được chim ăn quả rồi thả xuống. Cũng có nơi, cây xoan mọc thành từng đám. Đôi khi có cả những gò đất nhỏ, nơi vài chục cây xoan chụm lại, cây lớn, cây bé, mùa này trở thành một vòm hoa tím, mờ mờ trong mưa xuân.

Thật là thương những cây xoan bây giờ. Chúng không còn là cây trong vườn nữa, cũng ít khi được người dân trồng để lấy gỗ dựng nhà. Chúng trở thành loài cây dại, mọc tự do ngoài đồng. Những cánh đồng xưa bờ xôi ruộng mật, nay cũng đã bỏ hoang, chỉ còn lại cỏ dại và cây mọc chen chúc. Nhưng dù thế nào, hoa xoan vẫn giữ được nét đẹp riêng biệt, dù là hoa dại, vẫn có một màu tím dịu dàng, mơ màng.

Thương những cây xoan dại, và trong lòng tôi lại dâng lên nỗi nhớ về những mùa hoa xoan thời thơ ấu. Những mùa hoa xoan đã đi cùng tôi suốt những năm tháng thiếu thốn, thiếu cả đồ chơi và những trò chơi, đám bạn bày nghịch đủ thứ trò đơn giản nhưng đong đầy tình bạn và tình yêu thương. Nhớ những ngày tháng ấy, tôi và đám bạn cùng nhau ra vườn, nhặt hoa xoan rồi xếp thành những hình thù ngộ nghĩnh, chơi trò đồ hàng với những cánh hoa xoan mỏng manh. Mỗi cánh hoa xoan đều chứa đựng một ký ức tuổi thơ nghèo khó nhưng ngọt ngào, một tuổi thơ mà dù thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp những niềm vui giản dị.

Bây giờ, nhìn những cây xoan mọc hoang dại, tôi không khỏi bâng khuâng. Chúng như đánh thức những ký ức sống động của một thời đã qua, của một làng quê giờ đã khác xưa. Dù đã xa quê lâu, mỗi lần trở về, tôi vẫn không thể nào quên được những hình ảnh cây xoan nở hoa, vươn mình trong gió xuân, sắc tím nhuốm một nỗi buồn man mác. Và dù hoa xoan giờ chỉ còn mọc hoang, tôi vẫn yêu thương chúng, vẫn trân trọng những cây xoan dại, vì chính chúng là những phần ký ức đẹp đẽ, mang lại cho tôi niềm an ủi mỗi khi trở về làng.

Tôi thương những cây xoan như thương về một thời thơ dại, về những ký ức xưa cũ mà giờ đây chỉ còn vang vọng trong lòng. Những cây xoan dại mọc ven những con đường cũ, những bờ đập ven sông, và những gò đất hoang vắng. Dù vậy, mỗi mùa hoa xoan nở, tôi lại cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc của quê hương. Những cây xoan dại vẫn giữ được sự mộc mạc, giản dị như chính tâm hồn của những người dân quê, vẫn mang trong mình sắc tím của ký ức, của tuổi thơ, của những trò chơi ngây thơ dưới bóng xoan.

Và tôi biết, chính nhờ những cây xoan dại bung hoa tím biếc ấy mà tôi được quay lại với những ký ức đẹp đẽ về quê hương, về những tháng ngày thơ dại đã qua. Dù cuộc sống đã thay đổi, dù làng quê đã không còn như trước, nhưng hoa xoan vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong trái tim tôi. Thương những mùa hoa xoan tím, thương về một thời đã qua, thương về những cây xoan dại mọc ven bờ đập, thương về những ký ức không thể phai mờ…

Cẩm Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuong-nhung-mua-xoan-tim-10303509.html