Thưởng Tết giáo viên 2025 có gì đáng chú ý

Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, câu hỏi đặt ra về mức thưởng Tết là điều khiến nhiều giáo viên quan tâm lúc này.

Các cơ sở giáo dục có thể quy định khoản hỗ trợ dịp Tết cho giáo viên được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình.

Các cơ sở giáo dục có thể quy định khoản hỗ trợ dịp Tết cho giáo viên được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình.

Thưởng Tết giáo viên 2025 theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP

Thứ nhất, đối tượng áp dụng

Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019);

Thứ hai, căn cứ áp dụng

+ Thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở:

(i) Thành tích công tác đột xuất

(ii) Kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm

+ Thưởng đột xuất theo thành tích công tác và thưởng định kỳ hằng năm theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị

+ Quỹ tiền thưởng hằng năm nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022, được xác định bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc quân hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Đến hết ngày 31 tháng 01 của năm sau liền kề, nếu cơ quan, đơn vị không sử dụng hết quỹ tiền thưởng của năm thì không được chuyển nguồn vào quỹ tiền thưởng của năm sau.

Như vậy, mức thưởng tết tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP được xây dựng trên quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị và tiêu chí thưởng theo thành tích công tác đột xuất và theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị.

Do đó, viên chức ở mỗi đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có mức tiền thưởng khác nhau, điều này được quy định rõ tại Quy chế.

Quy chế khi xây dựng cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Thưởng Tết giáo viên 2025 theo Bộ luật Lao động 2019

Thứ nhất, đối tượng áp dụng

Viên chức là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Thứ hai, căn cứ áp dụng

+ Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

+ Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thứ ba, mức tiền thưởng

Do viên chức là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền thưởng sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động của nhà trường và mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Điều 104 Bộ luật Lao động 2019).

Quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị bao gồm những nội dung nào?

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP có nêu rõ quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị bao gồm những nội dung sau:

Quy chế tiền thưởng của cơ quan, đơn vị quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP phải bao gồm những nội dung sau:

- Phạm vi và đối tượng áp dụng;

- Tiêu chí thưởng theo thành tích công tác đột xuất và theo kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người hưởng lương trong cơ quan, đơn vị;

- Mức tiền thưởng cụ thể đối với từng trường hợp, không nhất thiết phải gắn với mức lương theo hệ số lương của từng người;

- Quy trình, thủ tục xét thưởng;

- Các quy định khác theo yêu cầu quản lý của cơ quan, đơn vị (nếu cần thiết).

Đối tượng áp dụng chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP gồm những ai?

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Chế độ tiền thưởng

"1. Thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này."

Theo đó, đối tượng áp dụng chế độ tiền thưởng gồm có:

(1) Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).

(2) Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).

(3) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019).

(4) Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

(5) Người làm việc trong chi tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ- CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP).

(6) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

(7) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

(8) Người hưởng lương làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Đoàn Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thuong-tet-giao-vien-2025-co-gi-dang-chu-y-179250115104034538.htm