Thưởng thức ẩm thực xứ Nhãn tại Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến

Sau 4 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức trở lại. Đến với lễ hội, Nhân dân và du khách không chỉ được chiêm ngưỡng không gian văn hóa đặc trưng tại các di tích thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, đắm mình trong không khí sôi động của các trò chơi dân gian mà còn được thưởng thức những món ăn mang đậm hồn quê xứ Nhãn.

Gian hàng ẩm thực của Hội LHPN thành phố nhằm giới thiệu, bày bán những món ăn đặc sản xứ Nhãn tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024

Gian hàng ẩm thực của Hội LHPN thành phố nhằm giới thiệu, bày bán những món ăn đặc sản xứ Nhãn tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024

Tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024, Ban tổ chức chú trọng và sắp xếp, bố trí khu vực trung tâm để bày bán, giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương như: Hạt sen, long nhãn, mật ong, bột sắn dây, chè sen long nhãn, bánh răng bừa, bún thang lươn... hoặc món ăn đồng quê, dân dã như: Bánh đa vừng, bánh đúc, bánh cuốn... Các gian hàng ẩm thực luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tìm hiểu, mua sắm, thưởng thức.

Tại khu vực gian hàng ẩm thực của Hội LHPN thành phố Hưng Yên, các món ăn đặc trưng của mảnh đất Phố Hiến xưa được các hội viên phụ nữ chế biến khéo léo, vừa miệng, bày trí hấp dẫn… khiến du khách thưởng thức một lần là nhớ mãi. Các chị trong trang phục áo dài truyền thống, áo bà ba đậm chất đồng bằng Bắc Bộ xưa… tất bật chế biến món ăn, giới thiệu, quảng bá món ăn đến du khách…

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hưng Yên, thành viên Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024 cho biết: Năm nay, Hội LHPN thành phố được Ban tổ chức Lễ hội phân công đảm nhận gian hàng ẩm thực. Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã họp bàn kỹ lưỡng, thống nhất lựa chọn các món ăn đặc sản của xứ Nhãn để giới thiệu và quảng bá tại lễ hội, như: chè sen long nhãn, bún thang, phở gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh đúc, bánh cuốn… Để có được thành phẩm thơm ngon, Hội LHPN thành phố huy động cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn cùng tham gia thực hiện, có phân công cán bộ, hội viên phụ trách từng khâu, từ chọn mua nguyên liệu đến chế biến, giới thiệu sản phẩm…

Đến với Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, chị Nguyễn Thị Thanh, du khách đến từ thủ đô Hà Nội không chỉ ấn tượng mạnh bởi không gian di tích cổ xưa, những nghi lễ trang nghiêm… mà còn bởi hương vị ăn một lần mà nhớ mãi của món chè sen long nhãn – món ăn có sự kết hợp tinh túy của nhiều sản vật quý ở Hưng Yên như hạt sen, long nhãn, bột sắn dây… Chị Thanh chia sẻ: Tôi có cơ hội thưởng thức món ăn đặc sản của nhiều vùng miền nhưng với tôi món chè sen long nhãn vẫn là thứ đặc sản vô cùng ấn tượng, khó quên, không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng đối với sức khỏe.

Tại gian hàng ẩm thực, màu xanh của những chiếc bánh răng bừa được hấp trên chiếc phên tre cũng thu hút nhiều du khách đến thưởng thức. Bánh răng bừa là món ăn nổi tiếng của nhiều địa phương trong tỉnh như: Phụng Công, thị trấn Văn Giang (Văn Giang); Thuần Hưng, Đại Hưng (Khoái Châu)… Món ăn này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản, dễ kiếm như: Gạo tẻ, thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ, lá dong, hạt tiêu… Bánh được gói bằng lá dong, được hấp chín hoặc luộc bằng nước sôi… Còn gì ấm lòng hơn khi được nếm những chiếc bánh răng bừa nóng hổi, chấm kèm tương ớt hoặc nước mắm chua ngọt, vừa vãn cảnh lễ hội và lắng nghe tiếng ca trù, trống quân của những nghệ nhân dân gian. Không chỉ thưởng thức tại chỗ, nhiều du khách còn chọn mua bánh về làm quà tặng người thân, bạn bè.

Hấp dẫn không kém bánh răng bừa là món bún thang. Đây là món ăn dân dã nhưng cầu kỳ trong cách chế biến. Khác với bún thang ở những địa phương khác, để tạo nên món bún thang lươn Phố Hiến chuẩn vị người ta cần sử dụng đến khoảng 20 loại nguyên liệu khác nhau như: Bún, lươn đồng, thịt gà xé, giò, trứng thái sợi, rau răm, thịt ba chỉ… Cách chế biến món ăn này rất cầu kỳ, gồm nhiều công đoạn khác nhau. Trước tiên, bún phải là bún rối, sợi nhỏ, trước khi cho vào bát sẽ được trần qua nước sôi để bún mềm hơn. Giò lụa được thái sợi, tiếp đến là trứng gà ta tráng mỏng, sau đó đem thái chỉ. Thịt ba chỉ thái hình con trì và chiên giòn, thơm vàng, béo ngậy. Lươn đồng phải thui qua rồi mới mổ, sau đó đem luộc, gỡ lấy thịt, ướp với nghệ và gia vị rồi đem chiên giòn. Nước dùng của món ăn này có vị ngọt của xương ống và cua đồng, tôm he... Khi ăn thường cho một ít mắm tôm, ăn kèm rau sống gồm hoa chuối thái mỏng, rau ngổ, xà lách, rau mùi, kinh giới, tía tô...

Dân dã bánh đúc lạc tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024

Dân dã bánh đúc lạc tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024

Đến với Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến, du khách còn được thưởng thức món ăn dân dã mang đậm hương vị quê nhà: bánh đúc lạc. Bánh đúc được làm với khá nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn được loại gạo ngon, sau đó được vo, đãi sạch và ngâm trong nước vôi trong khoảng mười hai tiếng đồng hồ, rồi đem xay nhuyễn thành bột nước. Nồi nấu bánh được láng một chút mỡ nước để bột không dính đáy, rồi đổ bột vào và bắc lên bếp đun nhỏ lửa, khuấy thật đều tay sao cho bột không vón, không khê, cho đến khi bột trong nồi đặc sệt, trong mượt thì đổ tiếp thịt ba chỉ đã xào chín và mộc nhĩ. Bánh được múc ra từng bát hoặc đóng thành từng phên vuông vức rồi xắt miếng nhỏ, khi ăn chấm với vừng hoặc nước tương, vị béo, bùi hòa tan trong vị giác.

Đa phần, các món ăn của người xứ Nhãn được sáng tạo trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thêm vào đó là sự khéo léo đã tạo ra những món ăn truyền thống độc đáo, không những hình thức rất bắt mắt mà còn có hương vị hấp dẫn. Có thể nói, những món ăn, hương vị độc đáo của ẩm thực xứ Nhãn đã góp phần thu hút ngày càng đông khách đến với lễ hội.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thuong-thuc-am-thuc-xu-nhan-tai-le-hoi-van-hoa-dan-gian-pho-hien-3170130.html