Thường Tín - mảnh đất của văn hóa, lịch sử

Chẳng phải tự nhiên Thường Tín có danh là đất khoa bảng, đất danh hương.

Vùng đất này có tới 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 123 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 62 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; đền thờ Nguyễn Trãi… Sự kết nối trong văn hóa, lịch sử đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Thường Tín hiện nay và cả chặng đường sau…

Phối cảnh dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được xây dựng tại xã Nhị Khê.

Phối cảnh dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được xây dựng tại xã Nhị Khê.

Vùng đất của văn hóa

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long - Hà Nội, Thường Tín là đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, cũng là vùng đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, lưu giữ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Xác định, văn hóa, lịch sử là nền tảng, là gốc rễ cho sự phát triển, từ năm 2017, HĐND huyện ban hành nghị quyết, hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách của huyện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích. Công tác này không chỉ bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của huyện mà còn là nguồn lực để huyện phát triển nền công nghiệp văn hóa đúng như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trước đó, Thường Tín xác định văn hóa, lịch sử là thế mạnh, nội nguồn để huyện khai thác, lưu giữ và phát triển. Theo đó, trong những năm qua, có 74 di tích của huyện được đầu tư chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với kinh phí 78 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; kinh phí xã hội hóa huy động được từ nhân dân giai đoạn 2018-2022 để tu bổ, tôn tạo di tích là 50,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn xã hội hóa. Tổng số di tích trên địa bàn được thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2022-2025 là 12 di tích.

Đặc biệt, năm 2018, huyện có chủ trương xã hội hóa việc “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”; công trình đã hoàn thiện và bàn giao năm 2020. Văn Từ Thượng Phúc là địa điểm để huyện tổ chức Lễ hội khai bút và tôn vinh các làng nghề truyền thống cấp huyện vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Ông Ngô Văn Quynh, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín cho biết, Văn Từ Thượng Phúc là minh chứng cho tinh thần hiếu học, cho truyền thống văn hóa - lịch sử của Thường Tín.

Ngoài ra, huyện có dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2020-2025 là dự án xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, được khởi công xây dựng ngày 14-11-2022 trên diện tích 2,7ha với tổng mức đầu tư ban đầu là 144 tỷ đồng (nguồn ngân sách huyện), tại xã Nhị Khê. Thời gian thực hiện từ năm 2020-2024. Hiện các dự án đang được thực hiện đúng tiến độ.

Văn Từ Thượng Phúc - nơi trở thành điểm du lịch tâm linh, văn hóa của huyện Thường Tín.

Văn Từ Thượng Phúc - nơi trở thành điểm du lịch tâm linh, văn hóa của huyện Thường Tín.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, Thường Tín cũng là địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học về các công trình văn hóa cũng như các danh nhân trên địa bàn huyện. Cuối năm 2023, huyện Thường Tín đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Công chúa Khúc Thị Ngọc và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Mục đích của tọa đàm là nhằm tìm ra phương hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ xứng với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc; đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học và phát triển hoạt động du lịch.

Đó là một trong rất nhiều những chương trình, kế hoạch của huyện Thường Tín thực hiện nhằm phát huy nguồn lực từ văn hóa. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho hay, giai đoạn 2021-2026, cùng với sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện đang tu bổ, tôn tạo 59 di tích, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng.

Điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân.

Điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân.

Hình thành tuyến du lịch văn hóa, làng nghề

Cùng với danh xưng đất danh hương, Thường Tín còn được gọi là đất trăm nghề. Theo thống kê, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội; nhiều nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân.

Khai thác nguồn lực này, huyện Thường Tín đã bước đầu hiện thực hóa nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa và thực tế tại địa phương. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh khẳng định, hiện nay việc phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch đã và đang được huyện Thường Tín tích cực thực hiện. Theo đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vì vậy hoạt động du lịch trên địa bàn có chuyển biến, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, quảng bá về đất danh hương, đất làng nghề; phối hợp với Sở Du lịch lắp đặt 6 biển chỉ dẫn du lịch; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch tại điểm và du lịch cộng đồng; tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, Thắng Lợi và khu vực phụ cận để phát triển du lịch.

Đặc biệt, huyện đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái; phối hợp với các cơ quan có liên quan của thành phố lập hồ sơ: Dự án đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc và dự án “Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”. Ngoài ra, một điểm của huyện Thường Tín đã được UBND thành phố công nhận điểm du lịch sinh thái, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân và điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái…

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế văn hóa, lịch sử, làng nghề của huyện, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, xác định cụ thể hóa bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Bên cạnh đó, huyện đang xây dựng thương hiệu “Đất danh hương, đất trăm nghề” với việc chọn nhóm các vấn đề lớn để triển khai đầu tư; ưu tiên chọn các dự án di tích đặc trưng, đặc sắc để đầu tư trùng tu, tôn tạo; đồng thời ưu tiên phát triển dịch vụ văn hóa, phát triển loại hình nghệ thuật…

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm huy động và đầu tư các nguồn lực trong phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa bền vững; tạo sự thụ hưởng thiết thực đến từng người dân; khai thác, phát huy thế mạnh nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch…”, Bí thư Nguyễn Tiến Minh khẳng định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-tin-manh-dat-cua-van-hoa-lich-su-657964.html