Thường Tín phát huy nguồn lực từ du lịch

Nằm ở phía Tây Hà Nội, huyện Thường Tín có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng các cấp quốc gia. Không chỉ nức tiếng 'đất danh hương' - nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, khoa bảng…, Thường Tín còn là 'đất trăm nghề'. Từ nguồn lực đó, những năm qua, Thường Tín đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

Những điểm du lịch hút khách

Dọc tuyến đường chính của xã Duyên Thái là những dãy nhà khang trang trưng bày sản phẩm sầm uất. Nơi đây được gọi là “dãy phố” thương mại của làng nghề thủ công truyền thống sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái. Hằng ngày, dãy phố này đón hàng trăm du khách trong nước và quốc tế tham quan, mua sắm...

Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam, nhưng phường sơn Hạ Thái trước đây được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… đặc biệt là đưa vào kỹ thuật mài, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo cho những bức tranh. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

Chủ tịch Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi chia sẻ, thời kỳ hoàng kim của Hợp tác xã là những năm 1983-1985, Hợp tác xã có tới 641 xã viên và phải giải thể sau khi các nước Đông Âu sụp đổ. Giai đoạn khó khăn, nhiều người không trụ lại được với nghề, nhưng cũng có những người coi nghề như máu thịt nên tìm mọi cách giữ nghề và phát triển rực rỡ như hôm nay.

Để giữ và phát triển nghề, làng nghề đã thành lập Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái với gần 130 thành viên. Hiện, du khách về làng nghề Hạ Thái không chỉ mua sắm sản phẩm sơn mài mà còn được nghe những câu chuyện lịch sử đầy cuốn hút về làng nghề…

Gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái.

Tương tự, những năm qua, xã Hồng Vân của huyện Thường Tín cũng đón hàng nghìn lượt du khách về nghỉ, tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, tham dự các lễ hội lịch sử của xã. Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân có diện tích 128ha, bao gồm 6 khu chuyên biệt.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, đến Hồng Vân, du khách sẽ thong dong thả bộ trên bờ đê sông Hồng. Ngoài ra, du khách có thể đi xe điện, đạp xe tham quan làng nghề; trò chuyện với các nghệ nhân, người dân làng nghề; tham gia trải nghiệm hoạt động làm vườn, trồng và chăm sóc hoa, trò chơi dân gian... Đặc biệt, Hồng Vân còn là vùng đất của rất nhiều di tích lịch sử văn hóa với hệ thống đình, đền, chùa mang nét đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thu hút rất nhiều du khách...

Các tuyến đường hoa tại xã Hồng Vân thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh.

Các tuyến đường hoa tại xã Hồng Vân thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh.

Trên đây là hai trong hàng trăm điểm tham quan du lịch của huyện Thường Tín. Theo thống kê, Thường Tín có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ. Toàn huyện có 462 công trình tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng. Thường Tín không chỉ nức tiếng là "đất danh hương" mà còn là "đất trăm nghề".

Toàn huyện có 126 làng cổ có nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, 1 làng nghề được công nhận là làng nghề Hà Nội. Thường Tín có 4 điểm du lịch làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận, đó là: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, Điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, Điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, Điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.

Đường ven thôn, xóm xã Hồng Vân thu hút nhiều du khách.

Đường ven thôn, xóm xã Hồng Vân thu hút nhiều du khách.

Hướng du lịch thành nguồn lực kinh tế

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín xác định thế mạnh và tiềm năng là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn với làng nghề truyền thống - đây cũng là nguồn lực kinh tế lớn của huyện.

Để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, những năm qua, Thường Tín đầu tư tu bổ nhiều di tích với hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp đối với 12 di tích với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách huyện và thành phố, các địa phương, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã huy động các nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công lao động cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích. Nhiều di tích được bảo tồn, tu bổ, bảo đảm yêu cầu về khoa học, tính nguyên gốc, phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời khai thác hiệu quả cho phát triển du lịch.

Khu Văn Từ Thượng Phúc, xã Văn Bình, huyện Thường Tín thờ các nhà khoa bảng của huyện thu hút du khách đến dâng hương, tham quan.

Khu Văn Từ Thượng Phúc, xã Văn Bình, huyện Thường Tín thờ các nhà khoa bảng của huyện thu hút du khách đến dâng hương, tham quan.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh, để phát huy nguồn lực từ du lịch, huyện từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng tại các làng nghề như khu trưng bày sản phẩm, bãi xe, khu dịch vụ… tại các điểm du lịch.

Đặc biệt, huyện phối hợp sở, ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đưa vào khai thác phục vụ du khách tại điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái và dọc vành đai sông Hồng...; các làng nghề truyền thống như: Tiện Nhị Khê, thêu tay Quất Động, Thắng Lợi…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-tin-phat-huy-nguon-luc-tu-du-lich-634894.html