Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.

Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

TS. Trần Minh Sơn: Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/LS

TS. Trần Minh Sơn: Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/LS

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật.

Để làm rõ vấn đề này, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC).

TS. Trần Minh Sơn cho biết, tại khoản 3 Mục IV của Nghị quyết 27-NQ/TW đã xác định: "Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật... hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp".

Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.

Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xác định trách nhiệm của Bộ Tư pháp là thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước.

Tại Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã giao nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác "quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước".

Cụ thể, Bộ Tư pháp được giao "Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước; xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật".

3 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nhằm nâng cao hiệu của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" với các mục tiêu cụ thể sau: Hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất;giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; thí điểm và nhân rộng ít nhất 02 mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả trên toàn quốc; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp; triển khai các giải phápxã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, TS. Trần Minh Sơn cho rằng, phải có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật theo các nhiêm vụ của Quyết định số 345/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Đề án cho giai đoạn 2021-2030 như sau:

Thứ nhất,hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong đó bao gồm các hoạt động: hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thứ hai,nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật bao gồm các hoạt động như tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa bộ, cơ quan ngang bộ với địa phương; giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,

Đồng thời, đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng, duy trì, cập nhật và vận hành Cổng Thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và với tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Thứ ba,triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm các hoạt động như đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan doanh nghiệp; triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thuong-ton-hien-phap-va-phap-luat-tro-thanh-chuan-muc-ung-xu-cua-moi-chu-the-trong-xa-hoi-102230503114311847.htm