Thường trực HĐND một số địa phương chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động
Ngày 21/02, tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Thường trực HĐND một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm và kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử tại địa phương.
Trình bày tham luận tại Hội Nghị, các đại biểu đã Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã chia sẻ về những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố xuống tới cơ sở; Nhất là trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách.
Bà PHÙNG THỊ HỒNG HÀ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội: “Đẩy mạnh phối hợp hoạt động giám sát giữa Đoàn ĐBQH Hà Nội và Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố, giữa các Ban Hội đồng Nhân dân, giữa Tổ đại biểu và Thường trực Hội đồng Nhân dân quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh việc tổ chức giám sát tới tận thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể; kết luận của nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để Thường trực Hội đồng Nhân dân tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.Từ đó yêu cầu các cơ quan, chính quyền phải xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc”.
Từ thực tiễn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Bà LÊ THỊ THANH TRÀ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang: “Thứ nhất: Quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chú ý quy định cụ thể, phù hợp trình tự, cách thức tổ chức đối với từng cuộc giám sát chuyên đề; chỉ đạo Văn phòng xây dựng, thực hiện quy trình tham mưu, phục vụ các cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân. Thứ hai: Hết sức coi trọng việc chọn nội dung giám sát, xác định phạm vi và đối tượng giám sát. Nội dung các cuộc giám sát được lựa chọn trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thông tin từ cơ quan báo chí, ý kiến, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri, đơn thư của công dân, dư luận xã hội, qua việc khảo sát nắm bắt thông tin của các Ban Hội đồng Nhân dân tỉnh và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia. Thứ ba: Làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức giám sát. Thứ tư: Coi trọng giám sát chuyên đề bằng hình ảnh. Thứ năm: Hết sức chú trọng khâu hậu giám sát."
Chia sẻ về Kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Quang cho biết, từ thực tiễn công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC của công dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã lựa chọn và giao Pháp chế tổ chức giám sát trực tiếp việc giải quyết đối với 12 vụ việc. Không chỉ giám sát mà Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh còn chủ động, tích cực và đồng hành với Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đối với công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của Cử tri, tại các kỳ họp thường lệ của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đều Báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của Cử tri từ kỳ họp trước.
Ông NGUYỄN PHÙNG QUANG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định: “Đối với những kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết giải trình rõ lý do (khách quan, chủ quan); từ đó làm cơ sở xem xét trách nhiệm của người giải quyết và kiến nghị biện pháp giải quyết phù hợp; đồng thời tiếp tục yêu cầu người có trách nhiệm tập trung giải quyết và báo cáo tại kỳ họp thường lệ tiếp theo của Hội đồng Nhân dân tỉnh, bảo đảm tất cả các kiến nghị của Cử tri được theo dõi, giám sát đến cùng. Một số vấn đề bức xúc, kiến nghị chậm được giải quyết, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh”.
Trao đổi nội dung về “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh lựa chọn nội dung giải trình là vấn đề số 01 quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động này.
Bà LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang: “Với Bắc Giang chúng tôi thường lựa chọn nội dung (chủ đề) qua hoạt động giám sát, khảo sát của hội đồng, Thường trực cũng như các ban; có những vấn đề chúng tôi xác định đưa vào chất vấn tại kỳ họp (những vấn đề rộng, có tính lan tỏa, tuyên truyền), còn những vấn đề cụ thể, khó có thể giải đáp hết được qua chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thì đưa vào giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng Nhân dân. Ngay từ đầu năm, khi ban hành chương trình công tác năm của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã xác định tháng nào, quý nào sẽ có nội dung giải trình và nội dung đó thuộc lĩnh vực nào, giao trực tiếp cho 01 Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban khác nghiên cứu, lựa chọn đề xuất nội dung cần giải trình để Thường trực xem xét, quyết định. Thông thường những nội dung đề xuất tập trung vào: Các vấn đề nóng, phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm hoặc là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều”.
Để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, góp phần vào việc nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống cơ quan dân cử tại địa phương, tham luận của các địa phương cũng đã nêu lên nhiều kiến nghị đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng Nhân dân; Hướng dẫn hoặc quy định cụ thể hơn cách thức, hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn giải trình của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các ban của Hội đồng Nhân dân; Quy định cụ thể hơn hình thức văn bản cuối cùng về kết quả chất vấn tại phiên họp của Thường trực Hội đồng Nhân dân./.
Thực hiện : Diệu Huyền Như Thảo Hoàng Hương