Thường trực Hội đồng Dân tộc họp phiên mở rộng

Sáng 30.1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tham dự Phiên họp có: đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Về phía các bộ, ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Phiên họp

Trình bày Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, vừa qua trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện.

Cụ thể, theo điểm b, khoản 3, Điều 1, Nghị quyết 120/2020/QH14 quy định “Nguồn vốn của chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025”. Nhưng nguồn vốn ngân sách trung ương của chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch và phân bổ vốn của các địa phương. Vì vậy, cần báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn thực hiện chương trình.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, một số địa phương khi được cơ quan kiểm toán làm việc có đề nghị giải trình làm rõ sự phù hợp chủ trương đầu tư của Chương trình đối với một số đối tượng thụ hưởng tại: dự án 4 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; dự án 5 phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; dự án 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đang được triển khai nằm ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những đối tượng này chưa được thể hiện rõ trong Nghị quyết 120/2020/QH14.

Do vậy, “việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình sẽ giải quyết được những khó khăn vướng mắc hiện nay tại các dự án 4, dự án 5, dự án 6, dự án 7 và cơ chế phân bổ, bố trí vốn thực hiện Chương trình sẽ thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân của Chương trình”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói.

Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với cơ sở pháp lý để điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên theo Tờ trình, một trong những căn cứ quan trọng để đề xuất, trình Quốc hội sửa đổi chủ trương đầu tư là Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24.6.2023 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Nhưng tại Nghị quyết này, Quốc hội chỉ yêu cầu Chính phủ ngay trong 2023 “nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia…”, không yêu cầu điều chỉnh đối tượng, địa bàn thực hiện chương trình.

"Vì vậy, nếu xem đây là căn cứ chủ yếu để sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội thì chưa phù hợp", Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Cũng theo dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ, một số ý kiến cho rằng, đối tượng thực hiện của Chương trình được dẫn chiếu quy định cụ thể tại nghị Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, nếu phải sửa đổi thì phải sửa Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Về cơ sở thực tiễn, Tờ trình cho rằng, xuất phát từ kiến nghị đề xuất của một số bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, năm 2023 báo cáo của các địa phương và Chính phủ phục vụ cho giám sát tối cao của Quốc hội không kiến nghị, đề cập đến nội dung này. Vì vậy, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ, báo cáo rõ thêm những vướng mắc cụ thể của địa phương về nội dung này.

Cho rằng, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ chưa thực sự thuyết phục về cơ sở pháp lý, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc có thực sự vướng mắc không, nhất là khi thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình (2021 – 2025) chỉ còn chưa đến 2 năm, thời gian phân bổ vốn cho Chương trình chỉ còn 1 năm. Nếu thực sự vướng mắc cần sửa, thì nên để sang giai đoạn 2 thực hiện Chương trình mới điều chỉnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Hội đồng Dân tộc. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, sửa ngay các văn bản thuộc thẩm quyền có liên quan, nhất là các quyết định có liên quan đến tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số. "Việc điều chỉnh này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc liên quan đến phạm vi, đối tượng, địa bàn thực hiện", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.

Trong trường hợp cần thiết phải trình Quốc hội sửa Nghị quyết 120/2020/QH14, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, phải rà soát, hoàn thiện, bổ sung hồ sơ, tờ trình, quan điểm sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội, chứ không sửa Nghị quyết của Quốc hội để chuẩn hóa lại đối tượng như Tờ trình hiện nay. Cùng với đó, phải làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và đặc biệt là tác động của việc điều chỉnh đối tượng, phạm vi sửa đổi các văn bản liên quan đến việc tổ chức thực hiện trong bối cảnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình còn gần 2 năm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ bổ sung chi tiết kèm theo danh mục các trường, các cơ sở văn hóa, y tế, số vốn ngân sách, các địa phương cụ thể gặp khó khăn vướng mắc cần Quốc hội cho chủ trương điều chỉnh. Hồ sơ của Chính phủ cần hoàn thiện trước ngày 15.3 tới để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 4.2024, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024).

"Đặc biệt, quan điểm của Thường trực Hội đồng Dân tộc là sẽ báo cáo Quốc hội không ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này, mà đưa vào Nghị quyết Kỳ họp giao Chính phủ chuẩn hóa đối tượng, phạm vi thực hiện".

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực các Chương trình mục tiêu quốc gia báo cáo Chính phủ rà soát các chương trình này, nếu có vướng mắc sẽ báo cáo Quốc hội điều chỉnh chung, tránh tình trạng mỗi Chương trình lại báo cáo một thời điểm khác nhau, trong khi Quốc hội vừa giám sát tối cao 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và tại Kỳ họp bất thường thứ Năm vừa qua đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thuong-truc-hoi-dong-dan-toc-hop-phien-mo-rong-i359170/