THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN MỞ RỘNG TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 2/2022), sáng 25/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên mở rộng để cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại phiên họp này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc tiếp thu chỉnh lý các nội dung về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; tính mới của sáng chế và của giống cây trồng.
Các đại biểu cũng lưu ý đến việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật theo đó xem xét đề xuất sửa đổi 04 luật liên quan gồm Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu. Do đó trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tăng cường khảo sát thực tiễn, tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc tiếp thu, chỉnh lý cũng theo nguyên tắc, những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm hoặc cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn thì trong Luật xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết.
Liên quan đến quy định về tính mới của giống cây trồng trong dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cho rằng trong thực tiễn triển khai quy định nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có khó khăn, vướng mắc khi người đăng ký bảo hộ không trung thực trong việc kê khai điều kiện “Vật liệu nhân giống, sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được bán hoặc phân phối ...”. Do đó bổ sung điều kiện xác định tính mới như dự thảo Luật do Chính phủ trình, quy định theo hướng:
“Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
1. Giống cây trồng đó chưa được công nhận theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành theo quy định của pháp luật về trồng trọt trước ngày nộp đơn đăng ký một năm;”.
Cho ý kiến về nội dung này, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định của dự thảo Luật là chưa tương thích với Điều 6 của Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV). Theo đó, điều kiện để xác định tính mới của giống cây trồng không bao gồm điều kiện “hoặc chưa được công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành tại Việt Nam”; quy định của dự thảo Luật gây khó khăn cho việc kiểm soát giống cây trồng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, đề nghị giữ nội dung này như quy định của Luật hiện hành. Có ý kiến đề nghị thiết kế lại quy định về tính mới của giống cây trồng cho ngắn gọn, dễ hiểu hơn.
Theo quy định hiện nay tại Điều 159 Luật Sở hữu trí tuệ: “Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác”. Quy định này của Luật hiện hành hoàn toàn tương thích với Điều 6 Luật 1991, Công ước UPOV mà Việt Nam là thành viên.
Phía cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, khó khăn, vướng mắc này cần được khắc phục bằng các giải pháp về nâng cao chất lượng xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (trong việc thẩm định đơn, công bố đơn, xem xét ý kiến của người thứ ba về đơn...), xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật trong đăng ký bảo hộ giống cây trồng... Việc bổ sung tiêu chí như dự thảo Luật do Chính phủ trình có thể thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước trong kiểm soát tính mới của giống cây trồng, nhưng chưa bảo đảm tương thích với Công ước UPOV, hơn nữa còn có nguy cơ tạo ra xung đột pháp luật giữa việc áp dụng tiêu chí chưa được công nhận theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; chưa được công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành theo quy định của pháp luật về trồng trọt (tiêu chí mới được bổ sung) và tiêu chí chưa được bán hoặc phân phối nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam (tiêu chí của Luật hiện hành).
Về vấn đề giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, các đại biểu tán thành với quy định tại dự thảo Luật theo hướng được giao quyền đăng ký tự động và không bồi hoàn cho đơn vị chủ trì. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam, cũng như cho cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Nhưng, một số ý kiến băn khoăn về cơ sở đưa ra quy định về phân chia lợi nhuận như đề xuất của Ban soạn thảo; đề nghị, làm rõ về quá trình tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách này. Một số ý kiến này lưu ý, các bộ, ngành cần có báo cáo giải trình thuyết phục cho việc phân chia lợi nhuận từ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, các cơ quan tiếp tục trao đổi làm rõ về những vấn đề còn quan điểm khác nhau, có lập luận lý giải rõ ràng, trong đó lưu ý nguyên tắc bảo đảm thực hiện đúng cam kết quốc tế; giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đang đặt ra; phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam về trình độ sản xuất, nhận thức của người dân, nhu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan sớm xây dựng, hoàn thiện các báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 8 bảo đảm đúng yêu cầu tiến độ.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62037