Thượng tướng Phạm Hoài Nam: Nâng cao chất lượng công tác quản lý và tham mưu chiến lược về công nghiệp quốc phòng

Sáng 10-1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công nghiệp quốc phòng năm 2023. Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Năm 2023, ngành công nghiệp quốc phòng đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, đạt kết quả cao hơn năm 2022, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Nổi bật là, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã hoàn thành tốt công tác tham mưu chiến lược và quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng; trong đó, đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) về Hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đạt sự đồng thuận cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng chặt chẽ, hiệu quả.

 Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu chỉ đạo, định hướng nhiều nội dung quan trọng trong công tác công nghiệp quốc phòng năm 2024 và thời gian tiếp theo.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu chỉ đạo, định hướng nhiều nội dung quan trọng trong công tác công nghiệp quốc phòng năm 2024 và thời gian tiếp theo.

Trong năm, các dự án đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng được chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, tích cực, thanh quyết toán, nghiệm thu đúng quy định; chất lượng các hạng mục, công trình đáp ứng yêu cầu đề ra. Các dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ; công tác nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật có nhiều đột phá. Cùng với đó, các đơn vị công nghiệp quốc phòng đã tổ chức sản xuất, sửa chữa, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch; tổng doanh thu toàn khối tăng so với năm 2022, thu nhập bình quân người lao động trong toàn ngành đạt 15 triệu đồng/người/tháng…

 Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quán triệt nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quán triệt nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thượng tướng Phạm Hoài Nam yêu cầu, trên cơ sở kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, năm 2024, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tham mưu chiến lược trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thuộc kế hoạch của Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới.

 Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng quán triệt một số nội dung trong quy định của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổ chức, quản lý các doanh nghiệp Quân đội.

Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng quán triệt một số nội dung trong quy định của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổ chức, quản lý các doanh nghiệp Quân đội.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trình Quốc hội thông qua Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai luật và Bộ Quốc phòng ban hành các thông tư quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Đồng thời, tập trung thực hiện, hoàn thành các dự án của ngành bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thanh, quyết toán, sớm đưa các hạng mục hoàn thành vào khai thác sử dụng.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam chỉ rõ, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tiếp theo bảo đảm hiệu quả, khả thi; tập trung ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các loại vũ khí, khí tài công nghệ cao, thông minh, hiện đại; tăng tính lưỡng dụng trong xây dựng và triển khai các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời tài liệu, vật tư phục vụ sản xuất, sửa chữa, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần triển khai hiệu quả đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội; điều chỉnh tỷ lệ, cơ cấu lao động hợp lý; có chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc; tăng cường mở rộng, phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, bảo đảm tốt đời sống, thu nhập cho người lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt một số nội dung chính trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo và quy định của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổ chức, quản lý các doanh nghiệp Quân đội.

Tin, ảnh: VĂN CHIỂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/thuong-tuong-pham-hoai-nam-nang-cao-chat-luong-cong-tac-quan-ly-va-tham-muu-chien-luoc-ve-cong-nghiep-quoc-phong-760752