Thương về miền Trung

p thấp nhiệt đới đi thẳng vào miền Trung. Vùng đất vốn đã khắc nghiệt một lần nữa lại oằn mình trong lũ.

Vẫn biết lũ lụt là chuyện thường mà miền Trung phải đối chọi. Nhưng đợt này, dự báo nguy cơ thiệt hại sẽ lớn. Lũ “kép”. Bão “kép”.

Chiếc đòn gánh một dải sơn hà như oằn mình bởi sự dữ dội, hung bạo của thiên tai. Đã có người chết, nhà sập, tan hoang. Cả nước rối bời âu lo cùng miền Trung gan góc.

* *

*

Em điện thoại cho anh: Trong này mưa dữ lắm. Em than, cơ khổ anh à, mưa cứ quấn lấy người không rời. Mới hôm nào nắng ráo, nay đã trắng trời, trắng đất.

Tiếng em nghèn nghẹn, lẫn trong tiếng mưa!

Nơi em ở cũng là vùng tâm lũ. Thêm vài ngày, điện thoại bắt đầu chập chờn. Rồi gọi miết mà chẳng thông. Tín hiệu liên lạc như rơi vào hư không mất hút theo cường độ mạnh dần của bão lũ.

Tin bão lũ từng giờ như dội lửa người ngóng trông. Thiên tai dằn dữ đang dồn lên trăm ngàn đồng bào trước giông bão. Không biết nơi đó, em cùng bao người chống chọi ra sao?!

* *

*

Không đau xót sao được khi những cảnh báo, những dự báo đã được đưa ra, nhưng thảm cảnh vẫn cứ xảy ra, vẫn cứ gieo tang tóc xuống đầu bao đồng bào vốn ở những vùng miền khó khăn nhất. Vẫn biết, sau bão là mưa lớn, là lũ dữ, nhưng người dân lại chẳng thể ngờ thiên nhiên tàn khốc như thế. Bao làng xóm, đồng ruộng đang trù phú, đang chờ gặt hái, thế mà tất cả chìm trong biển nước.

Từ nỗi đau mất mát, thiệt hại của người dân những nơi chịu mưa lớn, lũ dữ, ngẫm đến mai sau, nghĩ lại những ngày qua, mới thấy cái giá của sự phung phí, đối xử tệ bạc với thiên nhiên chẳng thể nào đo hết được.

Mỗi sớm mai, mở tung cánh cửa ta chợt thấy quý giá vô cùng một không gian trong lành, một bầu không khí tràn trề sức sống mà ta hít sâu trong ngực. Nhưng trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay, bao bon chen, bao nguy cơ cứ như mũi dao xé toạc mảng không gian trong lành ấy.

Một ngày mới, mở dòng nước sạch, hãy nhẹ tay tiết kiệm bởi nguồn nước sạch hôm nay đang ngày một khan hiếm. Hãy nhớ, còn đó nhiều vùng đất đang “khát cháy”, nước sinh hoạt phải lấy từ những vũng lầy, những hố sâu giữa đồng chua nước mặn. Còn nhiều nơi phải mua nước sạch với giá cắt cổ, phải đi xa cả vài cây số để lấy nước sinh hoạt.

Một ngày mới, băng xe trên đường phố, dừng lại trước lằn vôi trắng, hãy nhẹ tay ga để giảm bớt khí thải vào môi trường, để người phía sau không phải chau mày bịt mũi. Người cầm lái và người ngồi trong những chiếc ôtô sang trọng mát mẻ bao nhiêu giữa tiết trời oi nóng, hãy trông bên ngoài có lưng áo xanh thấm ướt mồ hôi, hãy nghĩ nỗi khổ của người bên ngoài bởi sức nóng lan tỏa từ giàn máy lạnh.

Đến công sở, hãy cân nhắc trước khi bấm nút điều khiển khởi động máy điều hòa. Tốc độ vòng quay tăng lên bạn sẽ được mát hơn, nhưng cũng theo đó, môi trường tăng thêm ô nhiễm bởi các chất thải ra từ thao tác ấy. Vừa phải thôi, để tiết kiệm năng lượng! Mỗi người một chút sẽ giúp giảm bớt sự thiếu hụt điện năng, sẽ giúp môi trường xung quanh bớt đi sự ô nhiễm.

Vào công viên, hãy nhẹ tay trước mỗi nhành hoa ngọn lá. Hãy dạy em thơ biết trân trọng thiên nhiên quanh mình và nhẹ chân khi giẫm lên thảm cỏ xanh.

Kết thúc một ngày, xin đừng tiện tay vứt túi rác ra đường, thả rác từ trên tầng cao qua ô cửa xinh. Bởi phía dưới ấy là cả một cộng đồng đang qua lại. Làm điều đó, cũng đồng nghĩa với việc ta đã vô tình đánh cắp một phần công sức của những người lao công, làm vai áo họ ướt thêm sau mỗi nhịp chổi.

Xả nước trút bỏ những nhọc nhằn của một ngày đã qua, xin hãy rút bớt một phần hóa chất tẩy rửa để lòng đất bớt đi phần nào chất độc mà nền văn minh tiêu dùng đã sản sinh ra nó…

Bao khu công nghiệp, bao nhà máy mới mọc lên hôm nay đã góp một phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng đã ai thống kê được hệ quả đằng sau nó là gì!?

Hãy cân nhắc thấu đáo để xem xét đến những tác động tới môi trường sống trước mỗi quyết định cho một dự án ra đời.

* *

*

Mưa lớn. Lũ về. Nước ngập sâu. Nhà sập. Người bị cuốn trôi. Hàng vạn đồng bào gần cả tuần qua vẫn lênh đênh giữa biển nước. Rồi ô nhiễm, thiếu nước sạch, lương thực. Tất cả, đang như một nỗi ám ảnh xoáy sâu vào lòng bao người dân Việt. Trong nỗi đau khôn cùng, trong tang thương mất mát, ta mới lại giật mình nhìn lại mà than: Sông nước, thiên nhiên đã giận người. Song làm sao để không còn những thảm cảnh như thế, vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp!

Chúng ta đang sống trong một thế giới tiêu dùng với đủ loại rác thải độc hại xả vào môi trường sống. Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn. Hãy dành cho đời sau chút gì còn lại!? Thế giới thật rộng nhưng mong manh vô cùng trước vũ trụ bao la. Hãy nghĩ cho ngày mai để ta không hoang phí những gì thiên nhiên ban tặng, để ta sống hòa cùng thiên nhiên, để bớt đi những đau thương mỗi khi thiên nhiên nổi giận.

* *

*

Anh thất thần trước cảnh hoang tàn mưa lũ để lại sau lưng. Thông tin từng giờ trên truyền hình như thêm lửa vào lòng bao người. Những con phố, làng mạc bình yên, mến khách, của miền Trung giờ đây tiêu điều, ngả nghiêng vì bão lũ. Ngổn ngang trăm bề. Thiệt hại chưa kể xiết.

Sau mưa lũ là thiệt hại. Năm nào cũng cảnh báo, nhưng chẳng thể tránh. Tình trạng “ăn xổi ở thì” diễn ra khắp nơi. Ở đô thị, người xây nhà cứ điềm nhiên xây, lấp miệng cống, sông cải tạo rồi vẫn như không, nên đường mau ngập. Ở nơi em, quản lý không nghiêm, rừng “ngã” đều chỉ còn đồi trống. Lũ quét, lũ ống cứ tái diễn. Chỉ người dân là khổ. Rồi cứu trợ cũng còn phải xét duyệt, thảo bàn khi nền đất lũ qua đã khô đến xác xơ.

Anh lại dò điện thoại. Vẫn không có tín hiệu trả lời…!?

Sóng dồn tới tấp. Mưa lũ sau bão tràn về. Tâm can bao người vẫn hướng về vùng bão lũ đi qua.

Thương nhiều người dầm mưa trong ấy!!!

Ngọc Lý

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thuong-ve-mien-trung-290848.html