Thượng viện Mỹ thông qua đề cử chức Giám đốc Tình báo quốc gia gây tranh cãi
Bà Tulsi Gabbard, cựu nữ dân biểu đảng Dân chủ, người từng gây tranh cãi vì mối quan hệ với Nga và Syria, đã được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận làm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia sau những buổi điều trần căng thẳng.
Đề cử của bà Tulsi Gabbard được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 52 phiếu thuận, 48 phiếu chống. Chỉ có một đảng viên Cộng hòa duy nhất, ông Mitch McConnell – bỏ phiếu phản đối.
Cam kết tái thiết cơ quan tình báo
Sau khi tuyên thệ nhậm chức tại một buổi lễ ở Phòng Bầu dục, bà Gabbard cam kết sẽ "tái tập trung và cải cách hoạt động tình báo của Mỹ"; đồng thời nhắc lại quan điểm của Tổng thống Donald Trump rằng Chính quyền sẽ không sử dụng lực lượng tình báo như những công cụ chính trị.
![Bà Tulsi Gabbard tuyên thệ nhậm chức Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_592_51465468/5c826eaa5ee4b7baeef5.jpg)
Bà Tulsi Gabbard tuyên thệ nhậm chức Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia
“Thật không may, người dân Mỹ không còn tin tưởng nhiều vào cộng đồng tình báo, phần lớn là vì họ đã chứng kiến một cơ quan vốn chỉ tập trung hoàn toàn đảm bảo an ninh quốc gia, bị vũ khí hóa và chính trị hóa”, bà nói, ám chỉ các hoạt động dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Bà nói thêm: “Tôi mong muốn có thể giúp cơ quan tình báo hoàn thành nhiệm vụ mà người dân Mỹ đã giao phó cho Tổng thống bằng cách chấn chỉnh hoạt động tình báo của chúng ta thông qua việc trao quyền cho những người yêu nước vĩ đại đã chọn phục vụ đất nước, chọn đảm bảo an toàn, an ninh và tự do cho người dân Mỹ”.
Phát biểu tại lễ nhậm chức của bà, ông Trump đã có bài phát biểu ngắn gọn và gọi bà là “một người Mỹ có lòng dũng cảm và lòng yêu nước phi thường”.
Những quan điểm gây tranh cãi
Bà Gabbard, 43 tuổi, đã phải đối mặt với phiên điều trần phê chuẩn căng thẳng tại Thượng viện vào tháng trước, trong đó bà phải trả lời các câu hỏi từ đảng Cộng hòa và Dân chủ về những bình luận trước đây của bà có thiện cảm với Nga và việc bà bảo vệ chính phủ của cựu lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, người mà bà đã đến thăm vào năm 2017 khi nhân vật này đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Trong phiên điều trần, bà Gabbard từ chối gọi ông chủ Wikileaks Edward Snowden là "kẻ phản bội", rút lại quan điểm của bà rằng Nga bị khiêu khích nên mới đưa quân vào Ukraine và khẳng định bà "không phải có thiện cảm" với nhà lãnh đạo Syria Assad. Sau những lời bảo đảm của bà, các nghị sĩ Cộng hòa đã nhất trí ủng hộ bà bất chấp những nghi ngờ ban đầu về việc cựu đảng viên Dân chủ 43 tuổi này thiếu kinh nghiệm đáng kể về tình báo.
Bà Gabbard, người là cựu ứng cử viên tổng thống và cựu chiến binh từng phục vụ tại Iraq, từng chỉ trích gay gắt lực lượng tình báo Hoa Kỳ mà bà sẽ lãnh đạo.
Với tư cách là giám đốc tình báo quốc gia, bà sẽ giám sát 18 cơ quan tình báo – bao gồm Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) – với hơn 70.000 nhân viên tham gia thu thập và bảo vệ những bí mật nhạy cảm nhất của đất nước.
Sau cuộc bỏ phiếu xác nhận Gabbard, Thượng viện ngay lập tức chuyển sang bỏ phiếu thủ tục về đề cử Robert F. Kennedy Jr. cho chức Bộ trưởng Y tế và dịch vụ xã hội.