Thương vụ đàm phán xong nhưng 'deal' có thể chưa đóng lại

M&A với nhiều doanh nghiệp không phải là thâu tóm mà viết tiếp câu chuyện phát triển, truyền động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trên con đường dài hơn…

Phiên 2 Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&AVietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 27/11, tại TP.HCM có chủ đề “Giải mã nhu cầu và chiến lược thành công trong các thương vụ M&A”. Các diễn giả đã thảo luận nội dung liên quan đến các chiến lược thực tiễn, nhu cầu của các bên tham gia (bên mua, bên bán), và các bước để thực hiện thương vụ thành công.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Tập đoàn BCG, nếu nhìn khía cạnh tỷ lệ sở hữu, thì việc mua doanh nghiệp mà tạo liên doanh đồng kiểm soát, đồng sở hữu thì thời điểm đóng deal mới là lúc bắt đầu của thương vụ. Thành công không đến từ lúc nhận tiền, mà doanh nghiệp hậu M&A phát triển ra sao mới xem là thành công. Còn với thương vụ mua chi phối, mua hết 100% vốn thì khi đóng deal sẽ gọi là thành công

Các diễn giả trong phiên thảo luận thứ 2 tại Diễn đàn M&A 2024. (Ảnh: Lê Toàn)

Các diễn giả trong phiên thảo luận thứ 2 tại Diễn đàn M&A 2024. (Ảnh: Lê Toàn)

Giải mã nhu cầu và chiến lược thành công trong các thương vụ M&A, bà Nguyễn Trần Thục Anh, Giám đốc đầu tư Covestcons cho rằng, một thương vụ thành công phải thỏa mãn 2 yếu tố: xây dựng trên sự tin tưởng và xây dựng để phát triển vững.

"Đây chính là tâm thế và triết lý đầu tư của chúng tôi khi thực hiện M&A. Doanh nghiệp chúng tôi quan tâm đến là những doanh nghiệp đã có lịch sử hình thành nhất định trên thị trường. Chúng tôi thận trọng tìm hiểu mô hình kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp. Thương vụ đàm phán xong nhưng deal chưa đóng lại. Giá trị chúng tôi mong muốn xây dựng là con đường dài sau giao dịch. Chính vì thế chúng tôi tận dụng thế mạnh nội tại của các bên để cùng tạo giá trị cho nhau, tạo giá trị cho xã hội. Đưa giá trị của ngành xây dựng đi lên. Chúng tôi tìm kiếm những doanh nghiệp đồng chí hướng. M&A với chúng tôi không phải là thâu tóm mà viết tiếp câu chuyện phát triển của doanh nghiệp, truyền động lực để doanh nghiệp được mua tiếp tục phát triển trên con đường dài hơn", bà Thục Anh cho biết.

Theo quan điểm của bà Bình Lê, Tổng giám đốc, Trưởng Bộ phận Mua bán & Sáp nhập, Công ty Tư vấn thương vụ ASART về các tiêu chí có thể giúp deal thành công, vai trò bên tư vấn thì cũng khá quan trọng. Nhà tư vấn không chỉ dừng lại ở việc kết nối mà còn hiểu được tầm nhìn chiến lược mỗi bên, 2 bên đến với nhau như thế nào, đưa ra định hướng chung như thế nào,.. điều đó mới đưa đến hậu thương vụ, đưa đến quyết định tiên quyết.

"Theo kinh nghiệm của ASART, tất cả các thương vụ quan trọng, có quy mô nhất định thì ngay cả nhà đầu tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có nhà tư vấn, vì họ không muốn tham gia vào một cuộc chơi mà phải hướng dẫn bên kia chơi như thế nào. Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chúng ta nghĩ không có việc gì cần đến luật sư, không cần ai tư vấn nhưng có rất nhiều vấn đề trong xuyên suốt thương vụ. “Lường trước nhiều vấn đề rủi ro sẽ cho thấy việc tư vấn có ý nghĩa như thế nào”, bà Bình Lê nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp may mắn khi có thời gian làm việc với cả bên mua và bên bán, ông Phạm Duy Khương, Luật sư điều hành Công ty Luật ASL nói rằng, ông hiểu tâm tư của 2 bên.

"Đối với nhà đầu tư Nhật bản, sẽ có sự khắt khe, chặt chẽ pháp lý. Đây là đặc trưng của nhà đầu tư Nhật Bản. Nhà đầu tư Nhật Bản thẩm định rất kỹ càng, giá trị thẩm định pháp lý chiếm tỷ trọng lớn trong cả thương vụ, bởi với họ, tính chính xác về pháp lý dự án là rất quan trọng. Bên bán cần hết sức phải chuẩn chỉnh về mặt hồ sơ nếu có đối tác bên mua Nhật Bản. “Nhưng khi đã thành công thương vụ và giữ uy tín, doanh nghiệp sẽ có lợi thế lâu dài”, ông Khương nói.

Ngọc Lan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-vu-dam-phan-xong-nhung-deal-co-the-chua-dong-lai-d231133.html