Thương vụ Việt Nam tại Mỹ: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt từ việc áp thuế 25% với nhôm, thép

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, việc áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ ngoài thách thức còn mang lại cơ hội cho doanh nghiệp thép Việt.

Cụ thể, theo ông Đỗ Ngọc Hưng chia sẻ với báo Người Lao động ngày 11/2, việc Mỹ sẽ áp dụng bố sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt sau thời điểm 2018, nhiều quốc gia, khu vực đã thay thế vị trí của Trung Quốc trong xuất khẩu các mặt hàng nhôm và thép sang Mỹ như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…

Trong tháng 12/2024, các nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ là Canada (521.000 nghìn tấn, tăng 10% so với tháng 11), Mexico (327.000 nghìn tấn, tăng 16%), Hàn Quốc (208.000 nghìn tấn, tăng 17%), Brazil (114.000 tấn, giảm 63%) và Việt Nam (109.000 nghìn tấn, giảm 9%). Trong cả năm 2024, các nhà cung cấp lớn nhất là Canada 6,557 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2023, Brazil 4,49 triệu tấn, tăng 14%, Mexico 3,5 triệu tấn, giảm 16%, Hàn Quốc 2,8 triệu tấn, tăng 7% và Việt Nam 1,36 triệu tấn, tăng 143%.

Tình hình xuất khẩu thép vào Mỹ năm 2024.

Tình hình xuất khẩu thép vào Mỹ năm 2024.

Đối với Mỹ, biện pháp thuế chắc chắn sẽ khiến lạm phát tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản và nhu cầu sử dụng lớn tại Mỹ.

Việc khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng ứng bị ảnh hưởng, thép/nhôm các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam…

Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhìn nhận chính sách thuế mới cũng có cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, kể từ năm 2018, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ đã chịu mức thuế 25%, một số chính sách được áp dụng bởi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngay những ngày đầu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước của Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, một số quốc gia lớn như Canada, Mexico và Brazil đã được miễn trừ khỏi mức thuế này, tạo ra sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép không được miễn trừ, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, động thái năm 2025 không thay đổi với Việt Nam và mức thuế 25%, Việt Nam không nằm trong danh mục miễn trừ năm 2018, vì vậy thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã phải chịu mức thuế này trong suốt giai đoạn này.

Do vậy, năm 2025, khi ông Trump đánh thuế thép và không miễn trừ quốc gia nào thì không ảnh hưởng thêm tới Việt Nam.

Nói về cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng, khi các quốc gia toàn cầu đều bị đánh thuế như nhau thì sẽ không còn phân biệt quốc gia nào xuất khẩu thép vào Mỹ nữa. "Do đó, các công ty thép Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia thấp hơn như Canada, Mexico, Brazil" - ông Hưng thông tin. Qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp thép và nhôm của Việt Nam có thêm cơ hội cạnh tranh cũng như cải thiện lợi nhuận.

Nhận định về chủ đề này, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) - nói trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép. Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn.

Nhận định về triển vọng từng doanh nghiệp nhôm, thép Việt Nam, theo Chứng khoán ACBS, đối với cổ phiếu của Hòa Phát (HPG), tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, tổng quan doanh thu thị trường xuất khẩu Mỹ chỉ chiếm 1,5-3% tổng doanh thu của HPG. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ hàng rào thuế quan của Mỹ lên HPG khá thấp. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng gián tiếp của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đến lợi nhuận HPG lại ở mức trung bình. Lý do đến từ việc, nếu Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) - 2 công ty tiêu thụ lượng lớn HRC của HPG, đồng thời có tỷ trọng xyất khẩu sang thị trường Mỹ cao - gặp khó khăn về thuế quan dẫn tới suy giảm mua HRC đầu vào.

Đối với sản phẩm tôn mạ, NKG chịu tác động lớn hơn HSG vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của HSG, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.

Thanh Thanh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thuong-vu-viet-nam-tai-my-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-tu-viec-ap-thue-25-voi-nhom-thep-96554.html