Thường xuyên chăm lo cải cách thủ tục hành chính
Chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2022 của tỉnh Hải Dương đứng thứ 4 cả nước song vẫn còn những việc phải làm, những hạn chế cần khắc phục.
Mới đây, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương đã được Hội đồng đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính tỉnh tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Năm 2022, dù Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hải Dương xếp hạng 47 cả nước (giảm 28 bậc so với năm 2021) song một số chỉ số thành phần vẫn có điểm sáng, nhất là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Năm 2022, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Hải Dương đạt 12,976 trong tổng số 13 điểm (99,81%), xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 56 bậc so với năm 2021). Đây cũng là thứ bậc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. So với 63 tỉnh, thành phố cả nước, thứ hạng Chỉ số cải cách thủ tục hành chính ở Hải Dương nhiều năm gần đây như sau: Năm 2018 xếp thứ 58, năm 2019 xếp thứ 52, năm 2020 xếp thứ 26, năm 2021 xếp thứ 60.
Còn nhớ năm ngoái sau khi công bố PAR INDEX, báo Hải Dương đã có bài viết “Mừng và lo về PAR INDEX năm 2021”, trong đó phản ánh Chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2021 xếp thứ 60 cả nước là một điểm nghẽn lớn, đồng thời kiến nghị cần đột phá vào điểm nghẽn này.
Sau một năm có thể thấy các cơ quan chức năng, địa phương ở Hải Dương đã cố gắng cao để đột phá thành công vào điểm nghẽn, tạo ra kết quả ấn tượng năm 2022. Năm 2022 đã ghi nhận sự tiến bộ rõ nét trong việc rà soát, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính, các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn tăng lên. Việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tỉnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được nâng lên.
Dù Chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2022 đạt kết quả tốt song chúng ta cũng không nên tự mãn. Từ năm 2013, PAR INDEX do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố là một căn cứ quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả cải cách thủ tục hành chính cũng cần xem xét nhiều căn cứ khác. Thực tế, không ít doanh nghiệp, người dân còn than phiền về tình trạng sách nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong Chỉ thị số 03-CT/UBND ngày 20.3.2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh nhận định: “Chưa có nhiều sáng kiến cải tiến để giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, vẫn còn tỷ lệ hồ sơ giải quyết công việc bị trễ hạn”.
Theo báo cáo của Hội đồng đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hải Dương, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2022 vẫn bị trừ 0,024 điểm so với điểm tối đa do việc công bố công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không đạt tỷ lệ 100%.
Tôi cho rằng năm 2023 và những năm tiếp theo, Hải Dương nên đặt mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn kết quả năm 2022, tức thuộc top 4, hoặc top 3 tỉnh, thành phố có Chỉ số cải cách thủ tục hành chính cao nhất cả nước. Quan trọng hơn là tạo ra được sự công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả rõ nét thực sự trong giải quyết thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực tế tại Hải Dương và nhiều địa phương khác đã chỉ ra rằng nếu không có sự cố gắng thì sự thụt lùi là tất yếu. Minh chứng, năm 2021, Chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Hải Dương xếp thứ 60 cả nước, giảm 34 bậc so với năm 2020. Theo kết quả PAR INDEX năm 2022 của cả nước, trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số cải cách thủ tục hành chính chỉ có 3 tỉnh tiếp tục duy trì thứ hạng từ năm 2021 là Điện Biên, Lai Châu, Đồng Tháp.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) là một chỉ số tổng hợp, được đánh giá trên cơ sở 8 chỉ số thành phần gồm: công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội.