Thụy Điển: Đằng sau việc bà Magdalena Andersson từ chức
Bà Andersson, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đương nhiệm của Thụy Điển, đã tuyên bố từ chức thủ tướng sau khi thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử gay cấn vừa qua, chấp nhận trao chiến thắng cho khối liên minh lỏng lẻo gồm các đảng trung hữu và cực hữu, trong đó có đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển (SD).
Đằng sau sự từ chức của bà, người ta thấy một sự xáo trộn lớn về chính trị, xã hội sắp diễn ra ở Thụy Điển.
Thủ tướng Magdalena Andersson đã tổ chức họp báo hôm 14-9, ngay sau khi có kết quả kiểm đếm số phiếu bầu được gửi qua bưu điện và phiếu bầu của kiều bào Thụy Điển ở nước ngoài. Tại cuộc họp báo này, bà thừa nhận đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hôm 11-9 vừa qua và vì thế bà tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng. Tuy vậy, đảng cầm quyền vẫn được xem là đảng lớn nhất ở Thụy Điển, với số phiếu đạt được nhiều nhất so với các đối thủ riêng lẻ, đạt 30% phiếu. Đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển là đảng lớn thứ nhì với 20% phiếu, thứ ba là đảng Moderate với 19% phiếu.
Nhưng, khi liên kết lại, các đảng phái phía hữu đã có thể hội đủ số phiếu để đánh bại đảng cầm quyền. Liên minh “lỏng lẻo” của các đảng phái hữu khuynh bao gồm đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu (SD) và nhóm đảng nhỏ trung hữu gồm Ôn hòa (Moderate), Dân chủ Thiên Chúa giáo (CD) và Tự do (Liberal) đã giành chiến thắng sát nút với chỉ 3 ghế nhiều hơn so với đảng cầm quyền. Tuy nhiên, giới quan sát băn khoăn liệu các đảng này sẽ chia sẻ quyền lực, chia nhau các vị trí lãnh đạo, điều hành đất nước như thế nào khi mà sự liên minh giữa họ không có gì bảo đảm chính thức cả. Đây chỉ là một liên minh không chính thức, không có văn bản thỏa thuận chính thức nào được ký kết giữa các đảng phái.
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng cho thấy khối cánh hữu giành được 49,6% số phiếu bầu, trong khi khối cánh tả giành được 48,9%. Như vậy, cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Thụy Điển đã chứng kiến cánh hữu vươn lên nắm quyền lực sau nhiều nỗ lực tạo ra các biến cố chính trị làm thay đổi cách nhìn, suy nghĩ của cử tri.
Tuy vậy, với kết quả bầu cử sát nút giữa các đảng phái và sự không chắc chắn về kết quả cuối cùng, tất cả các bên tham gia cuộc bầu cử đều tỏ ra dè dặt, hạn chế đưa ra tuyên bố về khả năng có một chính phủ mới kể từ khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào đêm 11-9. Tuy nhiên, một số chiến trường quan trọng cho một chính phủ liên minh cánh hữu trong tương lai với ảnh hưởng của SD đã trở nên rõ ràng. Dù vậy, người ta đang dần nhìn ra xu hướng của “cuộc chiến” giữa hai phía chính trị tả-hữu, đó là một chính phủ của cánh hữu đang dần định hình. Nếu các đảng phái cánh hữu trong liên minh “lỏng lẻo” cùng ngồi lại với nhau và ký kết được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực thì họ chắc chắn sẽ thành lập được chính phủ và chính trường Thụy Điển sẽ chứng kiến sự phục hưng của cánh hữu ở khu vực Bắc Âu.
Giới quan sát bắt đầu lo ngại về một tương lai cực hữu với nhiều xáo trộn về chính trị, xã hội ở Thụy Điển khi liên minh các đảng phái hữu khuynh lên nắm quyền. Truyền hình Thụy Điển tối 13-9 đã phát sóng một cuộc phỏng vấn ngắn với người đứng đầu Ủy ban Thụy Điển chống chủ nghĩa bài Do Thái, người bày tỏ lo ngại rằng kết quả bầu cử với sự lên ngôi của các đảng phái hữu khuynh này có thể khuyến khích những người kỳ thị chủng tộc và lặp lại những cáo buộc trước đó rằng đảng SD không rõ ràng về việc liệu người Do Thái có thể là người Thụy Điển hay không.
Với chính sách cởi mở, Thụy Điển đã trở thành một trong những quốc gia đa sắc tộc nhất ở châu Âu kể từ làn sóng nhập cư quy mô lớn theo diện tị nạn bắt đầu vào những năm 1990 và tăng nhanh sau làn sóng “Mùa xuân Arab”. Trong nhiều năm, đảng Dân chủ Thụy Điển đứng một mình với tư cách là đảng duy nhất phản đối vấn đề nhập cư. Đảng này liên quan đến sự gia tăng gần đây của tội phạm súng và băng đảng trong thanh niên nhập cư thế hệ thứ hai ở các thành phố của Thụy Điển.
Khi liên minh hữu khuynh làm cuộc lật đổ ngoạn mục trong cuộc bầu cử, người ta bắt đầu chú ý đến một chính khách đứng sau cuộc lật đổ này. Đó là Jimmie Akesson - lãnh đạo của đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu. Vậy Jimmie Akesson là ai? Năm nay 43 tuổi, Akesson được cho là người đã đi cùng sự thay đổi của đảng của mình. Akesson bắt đầu lãnh đạo đảng từ năm 2005, kiến tạo nhiều thay đổi trong đảng để đưa đảng này từ một đảng ngoài lề chính trị bước dần vào nghị trường và từng bước lớn mạnh qua các cuộc bầu cử quốc gia. Đảng đã giành được 5,7% phiếu bầu khi vào quốc hội năm 2010, rồi vươn lên 12,9% vào năm 2014, trở thành đảng lớn thứ ba của Thụy Điển trong quốc hội và đạt 17,5% vào năm 2018. Akesson thề sẽ loại bỏ nguồn gốc phân biệt chủng tộc và bạo lực của đảng. Thế nhưng, đảng Dân chủ Thụy Điển của ông lại đi theo hướng cực đoan khác.
Sau khi nổi lên giữa các nhóm tân Quốc xã bạo lực của Thụy Điển vào cuối những năm 1980, đảng Dân chủ Thụy Điển đã nỗ lực nhiều lần để loại trừ những kẻ phân biệt chủng tộc và cực đoan khỏi hàng ngũ của họ và thể hiện mình là một đảng bảo thủ xã hội nhằm bảo vệ truyền thống và văn hóa dân tộc Thụy Điển. Việc dừng nhập cư từ các quốc gia ngoài châu Âu là yếu tố quan trọng trong đường lối chính trị của đảng và là chìa khóa dẫn đến thành công trong chiến dịch bầu cử của đảng này. Các nhà nghiên cứu cho biết chính sách đã nêu của đảng Dân chủ Thụy Điển về tính chất “Thụy Điển cởi mở” cho rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành người Thụy Điển nếu họ học ngôn ngữ và tiếp nhận văn hóa, nhưng khái niệm về một người Hồi giáo Thụy Điển dường như nằm ngoài cách tiếp cận này.