Thụy Điển tiến gần hơn tới NATO sau cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề nghị trở thành thành viên NATO của Thụy Điển vào thứ Ba (26/12), một bước ngoặt sẽ giúp Stockholm gia nhập liên minh quân sự này sau nhiều tháng trì hoãn.

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển sau khoảng 4 giờ tranh luận, cũng như sau nhiều tháng trì hoãn vì những bất đồng giữa hai nước về một số vấn đề khác nhau.

 Burak Akçapar, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ (giữa) tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào ngày 26 tháng 12 năm 2023. Ảnh: AFP

Burak Akçapar, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ (giữa) tại phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara vào ngày 26 tháng 12 năm 2023. Ảnh: AFP

Bước tiếp theo là cuộc bỏ phiếu tại toàn thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, được dự kiến sẽ thông qua trong một vài tuần tới. Tổng thống Tayyip Erdogan sau đó sẽ ký nó thành luật, qua đó sẽ giúp Thụy Điển có thể tiến sát tới NATO, do hầu hết các thành viên còn lại đã đồng ý.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển hoan nghênh động thái này và mong muốn được gia nhập NATO. Boris Ruge, Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, cho biết trên mạng xã hội X rằng sự chấp thuận của Ủy ban là “tin tuyệt vời”.

Tổng thống Erdogan từng phản đối vào tháng 5 năm ngoái đối với yêu cầu gia nhập NATO của cả Thụy Điển và Phần Lan vì những vấn đề của người Kurd ở hai nước này mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là “khủng bố”, cũng như các lệnh cấm vận thương mại quốc phòng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan vào tháng 4 năm nay, nhưng vẫn để Thụy Điển phải chờ cho đến khi nước này thực hiện thêm các bước để trấn áp các chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm mà Liên minh châu Âu và Mỹ cũng liệt vào danh sách khủng bố.

Sau đó, Thụy Điển đã đưa ra một dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp. Thụy Điển và các thành viên NATO khác là Phần Lan, Canada và Hà Lan đều thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Hungary, thành viên NATO cũng chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là rào cản chính trong việc bổ sung quốc gia vùng Scandinavi vào liên minh quân sự này và tăng cường phòng thủ ở khu vực Biển Baltic.

Huy Hoàng (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuy-dien-tien-gan-hon-toi-nato-sau-cuoc-bo-phieu-o-quoc-hoi-tho-nhi-ky-post278603.html