Thủy Tạ - thương hiệu kem gắn liền với tuổi thơ người Hà Nội

Nếu ai đó lần đầu tiên đến thăm Hà Nội, nhất định sẽ phải đi dạo một vòng hồ Hoàn Kiếm, ăn một que kem Tràng Tiền hoặc vào nhà hàng Thủy Tạ ven hồ và thưởng thức kem ly. Thương hiệu kem Thủy Tạ không quá đình đám như kem Tràng Tiền nhưng nó có lịch sử hơn 60 năm đồng hành với Hà Nội, mang hương vị đặc trưng của người dân Thủ đô để thiết đãi bạn bè từ nơi xa đến.

Đáng tiếc là cũng giống với Diêm Thống Nhất, giờ đây một trong những hãng kem có tuổi đời lâu nhất của Hà Nội đang phải chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của những thương hiệu kem nước ngoài đình đám.

Niềm tự hào một thời của người Hà Nội

Thủy Tạ tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958, là nhà hàng duy nhất nằm bên bờ Hồ Gươm, trung tâm Thủ đô. Khi mới thành lập, do điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân còn thấp, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm chính là kem đá và các hương vị truyến thống.

Với những thành công có được, năm 1999, Thủy Tạ đưa vào hoạt động 1 nhà máy kem công nghiệp với công suất 1 triệu lít/năm dựa trên công nghệ của Ý. Đây là tiền đề đưa Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ thị phần chi phối tại Hà Nội và khu vực phía bắc thời điểm đó. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại và đến nay, con số này đã nâng lên đến 50.

Thủy Tạ hiện sở hữu 3 nhà hàng, đều đặt trên phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ thể là, nhà hàng Đình Làng, cung cấp món ăn dân tộc 3 miền, nhà hàng Mamarosa chuyên ẩm thực Âu - Ý và nhà hàng Long Vân phục vụ đồ ăn nhanh, cà phê giải khát, các bữa ăn trưa ăn tối cho du khách.

Mặc dù đã gây dựng được thương hiệu và giữ thị phần lớn ở phía Bắc trong thời gian dài nhưng sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods và Vinamilk lại làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống như Tràng Tiền và Thủy Tạ. Theo một báo cáo của Euromonitor, thị phần kem của Thủy Tạ chỉ đạt khoảng 1,5% cả nước. Vì hệ thống phân phối đa phần ở các cửa hàng nằm trên phố Lê Thái Tổ trực thuộc Công ty, trong khi các điểm bán không phủ rộng nhiều như kem Tràng Tiền.

Thương hiệu từng thống lĩnh thị trường kem Hà Nội nay thị phần ngày càng giảm, hoạt động kinh doanh chủ yếu, chỉ quanh mức 50 tỷ đồng mỗi năm, trong khi các đối thủ khác đã cán đích nghìn tỷ.

Năm 2016, Thủy Tạ đạt 110,5 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 7,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán kem đạt gần 54 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ mảng nhà hàng, bán đá và nước đá, các dịch vụ khác.

Trong năm 2017, dù đã đầu tư thêm 300 tủ đông bổ sung cho thị trường kem, chạy các chương trình khuyến mại sản phẩm kem, sản phẩm nước đến người tiêu dùng song doanh thu của mảng này vẫn giảm 12% so với năm trước, chỉ còn 47,5 tỷ đồng, khiến doanh thu và lợi nhuận chung của Thủy Tạ xuống thấp nhất trong vòng 5 năm. Tổng doanh thu của Thủy Tạ đạt 102,5 tỷ đồng, giảm 7% so với 2016. Lợi nhuận của Thủy Tạ cũng giảm sâu khi lãi ròng chỉ đạt 5,78 tỷ đồng, giảm 22%, xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Tuy bán kem đem lại nguồn thu lớn nhất cho Thủy Tạ nhưng tỷ suất lợi nhuận kém xa so với kinh doanh nhà hàng. Trong năm 2017, tỷ suất lợi nhuận từ nhà hàng đạt 63%, trong khi tỷ suất lợi nhuận từ bán kem chỉ đạt 37%.

Thủy Tạ một thương hiệu kem lâu đời ở Hà Nội

Thủy Tạ một thương hiệu kem lâu đời ở Hà Nội

Thủy Tạ cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty từ 2014 đến 2017 gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với những sản phẩm cùng loại mà Công ty đang sản xuất và kinh doanh tại Thủ đô, như các loại kem, nước, hệ thống và các loại hình cung cấp dịch vụ nhà hàng. Về mảng kem, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào chủ yếu như sữa gầy, sữa béo và bột whey đều tăng hàng chục phần trăm nhưng giá bán thành phẩm do cạnh tranh thị trường của Công ty lại chưa thể tăng.

Bên cạnh đó, niềm tự hào của Thủy Tạ, nhà máy kem công nghiệp công suất 1 triệu lít/năm sản xuất trên dây chuyền công nghệ Italia đã có tuổi đời 20 năm. Theo Ban điều hành Công ty, hệ thống dây chuyền sản xuất kem và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh đã được đầu tư từ lâu, chất lượng đã xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, sửa chữa thay thế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tiến độ sản xuất của Công ty nên đưa ra thị trường khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của đối thủ.

Thịnh vượng nhờ "đất vàng"

Kem Thủy Tạ chỉ là một phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Thủy Tạ, ngoài việc sản xuất và kinh doanh kem công nghiệp, Thủy Tạ còn kinh doanh nhà hàng, sản xuất nước tinh khiết và kinh doanh vật tư ngành ảnh. Báo cáo tài chính cho thấy kem vẫn là nguồn thu lớn nhất của Công ty, đạt 47,4 tỷ đồng năm 2017 và 46 tỷ đồng năm 2018. Kế đến là mảng nhà hàng, đạt khoảng 34-35 tỷ đồng/năm.

Ban điều hành Công ty cũng lý giải thêm rằng chất lượng kem hiện nay đi xuống vì độ lạnh không đảm bảo do hệ thống máy móc thiết bị quá cũ, chưa được đầu tư kịp thời nên sản phẩm kem không có khả năng cạnh tranh với các hãng, ảnh hưởng đến việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, chi phí bán hàng lớn, đặc biệt chi phí khấu hao về tủ đông, mà hiệu quả công tác quản lý, quản trị hệ thống các đại lý kem có tủ thấp. Sự cạnh tranh của các đối thủ có tiềm lực ngày càng lớn, với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn phù hợp với người tiêu dùng.

Một điểm đáng chú ý, mặc dù kết quả kinh doanh sa sút nhưng cổ phiếu Thủy Tạ tăng phi mã kể từ tháng 12/2018 tới nay, trong bối cảnh thị trường không có nhiều đột biến. Cụ thể, trên thị trường UpCOM, cổ phiếu TTJ của Công ty đã tăng từ 20.000 đồng/cp lên 83.000 đồng/cp. Có thời điểm, cổ phiếu này chạm ngưỡng 88.000 đồng/cp. Với mức giá này, Thủy Tạ được định giá hơn 250 tỷ đồng.

Nếu nhìn vào doanh thu lợi nhuận từ việc bán kem để định giá Thủy Tạ, có thể mức giá trên được coi là "trên trời". Tuy nhiên, nếu xem xét các vị trí đắc địa của các nhà hàng Thủy Tạ đang quản lý mới thấy Công ty này đang sở hữu nhiều đất vàng hiếm có. Nhà hàng cafe Thủy Tạ và nhà hàng Long Vân là chuỗi nhà hàng duy nhất sát mép hồ Hoàn Kiếm.

Các nhà hàng Đình Làng, Mamarosa, cửa hàng ảnh Hồng Vân đều nằm trên phố Lê Thái Tổ thuộc tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, nhà máy kem Thủy Tạ nằm ở số 2 Lương Yên chỉ cách trung tâm khoảng 3km. So với hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà hàng của Thủy Tạ thì hiệu ảnh mang về doanh thu gần 13 tỷ một năm, lợi nhuận gộp đạt 1,58 tỷ đồng.

Để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu kem, tại đại hội cổ đông năm 2019, HĐQT Thủy Tạ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ lên 300 tỷ đồng để có nguồn lực tài chính đáp ứng định hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới. Công ty đặt kế hoạch 106 tỷ đồng doanh thu và 6,94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2019, gần gấp 3 lần thực hiện năm 2018.

Công ty dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác marketing cho các nhà hàng, liên kết với các công ty du lịch lữ hành để đưa các tour khách du lịch về sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng. Ngoài ra, Thủy Tạ sẽ nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm kem mới nhằm đa dạng hóa mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Hoàng Thư / Câu chuyện Pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/thuy-ta-thuong-hieu-kem-gan-lien-voi-tuoi-tho-nguoi-ha-noi-491400.html