Thuyền trưởng Phạm Tân: 'Nhớ như in từng đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc'
Tôi gặp người thuyền trưởng năm xưa của Hải đội 182 - hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam ở nhà riêng của ông nằm sâu trong con ngõ trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội). Đại tá Phạm Tân năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng trông dáng vẻ bề ngoài ông trẻ hơn tuổi thật của mình. Những nét sóng gió mặn mòi của biển vẫn in đậm trên khuôn mặt người thuyền trưởng năm nào.
Lái tàu ngầm, tuyển chọn khắt khe hơn cả phi công
Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời khẳng định chắc nịch như vậy. Trước khi được lựa chọn để trở thành thuyền trưởng tàu ngầm của Hải đội 182, Đại tá Phạm Tân khi đó đã từng tốt nghiệp Đại học Hàng hải Ba Lan và Học viện Hải quân Ba Lan những năm 1969-1975, 1978-1981. Tốt nghiệp về nước, ông được điều ra tàu.
Lý do để Đô đốc Giáp Văn Cương nhất quyết điều ông ra tàu là: “Lính ở cơ quan thì tôi đào tạo được, nhưng thuyền trưởng thì không. Thuyền trưởng thì phải để cho đại dương dạy dỗ họ”. Rồi chỉ 1 năm sau đó, ông chính thức đứng trong 120 người của Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam sau quá trình tuyển chọn đặc biệt hà khắc.
Đại tá Phạm Tân kể, các bài tuyển chọn nhân sự cho hải đội tàu ngầm đều do phía Liên Xô tư vấn. Ngay cả khi chọn lựa xong, bác sĩ bên nước bạn lại sang kiểm tra một lần nữa. Trong suốt 2 năm huấn luyện tại Việt Nam (từ 1982-1984), vẫn có nhiều người không đủ sức khỏe phải ra đi, rồi lại có người mới vào thay. Quy trình tuyển chọn khắt khe hơn cả tuyển phi công. Từng có thời gian học tại Học viện Hải quân Ba Lan nên Đại tá Phạm Tân cũng đã có những hiểu biết nhất định về tàu ngầm.
Có một rắc rối nhỏ nảy sinh, khi ông được Hải quân Việt Nam cử làm thuyền trưởng thì phía chuyên gia Liên Xô không đồng ý vì nghi ngờ khả năng. Họ chỉ đồng ý nếu như ông trải qua được kỳ sát hạch của họ. Tất nhiên, sau cuộc sát hạch đó chàng lính trẻ Phạm Tân với tất cả những kinh nghiệm nhiều năm đi biển, sự hiểu biết về tàu thủy, tàu ngầm… đã học được tại Đại học Hàng hải và Học viện Hải quân Ba Lan đã thuyết phục được những ông thầy khó tính.
Nhớ từng mảnh đất thiêng liêng
“Khi tàu làm nhiệm vụ, thuyền trưởng gần như không ngủ” - Đại tá Phạm Tân nhớ lại những ngày Hải đội 182 được đào tạo tại Riga (Latvia). Thuyền trưởng tàu ngầm là người đưa ra mọi quyết định trên tàu, chịu trách nhiệm cho sự an toàn của thủy thủ đoàn. Số mệnh của thuyền trưởng phải gắn liền với tàu, còn tàu là còn mình. Khi có sự cố, thủy thủ đoàn rời tàu, thuyền trưởng là người ở lại cuối cùng để nhấn nút kích hoạt hệ thống phá hủy và hy sinh cùng tàu. Tất nhiên, trong các trận chiến, sự thành bại đều nằm ở sự mưu trí và khả năng quyết đoán của người thuyền trưởng.
Lễ tốt nghiệp năm đó, Thuyền trưởng Phạm Tân được Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trao tặng huy hiệu theo một cách thức đặc biệt, chỉ dành riêng cho các thuyền trưởng tàu ngầm. Đó là tự uống cạn 1 ly Vodka đầy để lấy chiếc phù hiệu binh chủng được thả chìm dưới đáy. Hơn 30 năm sau, chiếc phù hiệu thuyền trưởng tàu ngầm cùng tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc vẫn được ông Phạm Tân giữ gìn cẩn thận.
Tháng 6-1986, kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp. Các chuyên gia của Trung tâm huấn luyện khi đó, giữa rất nhiều đội tàu đến từ Cuba, Syrie, Ấn Độ, Lybia, đều thừa nhận Việt Nam là một trong những kíp tàu tốt nhất họ đào tạo thời điểm đó. Sau 2 năm đào tạo, Hải đội 182 về nước, song ở thời điểm đó, đất nước còn vô vàn khó khăn đồng thời cũng có nhiều nguyên nhân khách quan, các thành viên của Hải đội đã không được xuống tàu để thực hiện nhiệm vụ trên biển. Các thành viên được phân chia về những đơn vị khác, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của những người lính. Thuyền trưởng Phạm Tân vẫn chọn gắn bó cả đời mình với quân đội, với biển.
Trong suốt những năm còn trong quân ngũ, ông đã có rất nhiều chuyến ra Trường Sa. Ông kể, bây giờ nhắm mắt lại vẫn nhớ như in từng hải trình, từng hòn đảo. Những Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Sơn Ca, Phan Vinh… những đảo nổi, đảo chìm ông thuộc như lòng bàn tay mình vậy.
Nhớ cả lần đầu tiên đặt chân ra Trường Sa lớn năm 1975. Khi đó đảo của mình còn khá hoang sơ, chim biển bay rợp trời. Nhớ cả nỗi vất vả, sự hy sinh của bộ đội ta ngoài đảo. Và bây giờ thì nhớ tiếng chuông chùa Trường Sa, nhớ nụ cười của những đứa trẻ trong lớp học ngoài ấy - nơi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.