Thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về vụ cháy rừng Hawaii: Đừng trục lợi trên nỗi đau người khác

Khi những ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt trên đảo Maui thì thuyết âm mưu đã bắt đầu nổi lên trên các nền tảng mạng xã hội. Thảm họa rừng Hawaii một lần nữa chỉ ra vấn nạn thông tin sai lệch và tin giả trong các sự kiện lớn trên thế giới.

Các video và hình ảnh bị dán nhãn sai lệch đã lan truyền trên mạng xã hội, khi những người dùng đặt câu hỏi về nguyên nhân của đám cháy đến nay đã khiến ít nhất 111 người thiệt mạng và phá hủy hơn 2.200 tòa nhà này. Một giả thuyết âm mưu hàng đầu cho rằng các đám cháy là do các tia laser khổng lồ gây ra.

 Các nhân viên cứu hộ và cứu hỏa vẫn đang không ngừng làm việc sau thảm họa cháy rừng ở Hawaii. Ảnh: AP

Các nhân viên cứu hộ và cứu hỏa vẫn đang không ngừng làm việc sau thảm họa cháy rừng ở Hawaii. Ảnh: AP

"Tôi cần phải lên tiếng"

Michael Clark, một người lính cứu hỏa vùng đất hoang dã ở Oahu, nhanh chóng quyết định rằng như vậy là quá đủ. Anh đã đăng một bài đăng của riêng mình, nhằm phản đối một TikToker tuyên bố rằng đám cháy là một “cuộc tấn công bằng vũ khí năng lượng trực tiếp”.

“Hàng năm, có một số người theo thuyết âm mưu nói rằng 'Những đám cháy này được bắt đầu bằng tia laser' và 'Tại sao những ngôi nhà bị san phẳng, song những cái cây vẫn đứng vững?'”, Clark nói trong một video được đăng lên Instagram của anh ấy vào thứ Bảy.

“Đó chỉ là một cái gì đó quá thô thiển… Bạn chỉ đang cố gắng câu view vào một sự kiện kinh hoàng. Giống như, số người chết vẫn đang tăng lên, và bạn đang nói rằng điều này đã được bắt đầu bởi tia laser?”, anh lên án những nhận định thiếu căn cứ và vô trách nhiệm của TikToker nói trên.

Clark không tham gia vụ cháy Maui, nhưng anh ấy nói rằng anh ấy cảm thấy có trách nhiệm trấn an mọi người và ngăn chặn sự lan truyền của những lời dối trá đó.

Clark nói trong một cuộc phỏng vấn: “Thật đáng lo ngại khi thấy có nhiều người lại tin rằng có chùm tia laser khổng lồ này từ trên trời rơi xuống và họ sẽ không cố gắng chấp nhận biến đổi khí hậu hay bất cứ điều gì tương tự. Vì vậy, tôi chỉ nghĩ rằng, với tư cách một người chữa cháy chuyên nghiệp ở các vùng đất hoang dã, tôi cần phải lên tiếng”.

Herman Andaya, người đứng đầu Ban Quản lý Khẩn cấp Quận Maui đã từ chức hôm thứ Năm sau thảm họa cháy rừng. Việc từ chức diễn ra hơn một tuần sau khi thảm họa phá hủy hoặc làm hư hại 2.200 tòa nhà và gây thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD. Ít nhất 111 đã thiệt mạng và hàng trăm người vẫn mất tích.

Một số cư dân Maui cho biết nhiều người có thể được cứu sống, nếu còi báo động khẩn cấp vang lên, nhưng cơ quan của Andaya đã chọn không sử dụng chúng, nói rằng chúng sẽ không hiệu quả và gây nhầm lẫn.

Các chuyên gia vẫn đang làm việc để xác định nguyên nhân của đám cháy bắt đầu từ ngày 8 tháng 8. Nhưng nhiều người đồng ý rằng các yếu tố môi trường có thể đã làm trầm trọng thêm thảm họa. Gió từ cơn bão Dora, cơn bão cấp 4 đi qua phía nam Hawaii vào tuần trước, đã thổi bùng ngọn lửa và khu vực này đã ở trong tình trạng hạn hán trước đó.

Các đám cháy đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán và các quan chức địa phương cảnh báo rằng số người chết có thể sẽ tăng lên khi họ tiếp tục tìm kiếm khu vực bị cháy. Tính đến nay, chỉ hơn 1/4 khu vực bị cháy đã được tìm kiếm và thảm họa này được coi là vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ.

Clark nói: “Việc chữa cháy ở vùng đất hoang dã ở Hawaii rất khác biệt. Chúng tôi có rất nhiều cỏ guinea và rất nhiều nhiên liệu đốt cháy nhanh, và thông thường, bạn tưởng tượng Hawaii là một nơi nhiệt đới, xanh tươi, tươi tốt - đúng như vậy - nhưng nó có khí hậu cục bộ và có một số phần của hòn đảo trở nên siêu lạnh, siêu khô như sa mạc…, đặc biệt còn có những cơn gió mạnh”.

Đừng trục lợi trên nỗi đau người khác

Clark nói rằng khi anh lần đầu tiên bắt đầu công việc chữa cháy ở vùng đất hoang dã cách đây gần 5 năm, anh chưa bao giờ nghe nói về thuyết âm mưu liên quan đến cháy rừng. Nhưng qua nhiều năm, anh ấy đã chứng kiến chúng ngày càng trở nên phổ biến. Vào năm 2020, anh đã được nhiều người biết đến vì vạch trần thông tin sai lệch về các vụ cháy rừng ở California.

 Thay vì trợ giúp, nhiều người trên mạng xã hội đã đưa ra thuyết âm mưu và thông tin sai lệch trong các thảm họa nhằm trục lợi. Ảnh: Reuters

Thay vì trợ giúp, nhiều người trên mạng xã hội đã đưa ra thuyết âm mưu và thông tin sai lệch trong các thảm họa nhằm trục lợi. Ảnh: Reuters

Anh khuyến khích những người muốn tìm hiểu thêm về tình hình ở Maui nên bắt đầu với các quan chức và lãnh đạo chính quyền địa phương - những người có nhiệm vụ cập nhật thông tin cho cộng đồng. Clark cho biết anh không chắc tại sao các thuyết âm mưu thường xuất hiện sau các thảm họa thiên nhiên, nhưng lưu ý rằng chúng làm mất sự chú ý khỏi các vấn đề cần xem xét nghiêm túc hơn, như biến đổi khí hậu.

Clark nói: “Tôi không nhất thiết phải biết liệu những người này có thực sự tin rằng điều này đang xảy ra hay họ chỉ đang cố gắng thu hút lượt xem, nhưng điều đó thật thiếu suy nghĩ đối với những người đã mất gia đình và mất nhà cửa. Và thay vì dành thời gian và nói chuyện nghiêm túc rằng 'Này, tại sao Hawaii lại nóng kinh khủng như vậy?', họ lại đang nói đó là tia laser”.

“Họ nhìn thấy một sự kiện lớn và họ biết cảm xúc của mọi người rất cao, vì vậy họ chỉ muốn khuấy động nó lên”, anh cho biết và lên án thái độ vô cảm của những kẻ muốn trục lợi nỗi đau của người khác trên các nền tảng chia sẻ video và mạng xã hội.

Hoàng Hải (theo Poynter, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuyet-am-muu-va-thong-tin-sai-lech-ve-vu-chay-rung-hawaii-dung-truc-loi-tren-noi-dau-nguoi-khac-post261058.html