Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp: Cao - thấp khó kiểm chứng
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất của Việt Nam tiếp tục xuất hiện trong bảng xếp hạng các ĐH có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới do QS thực hiện (QS Graduate Employability Rankings 2020). Xấp xỉ 100% sinh viên tại các trường thành viên ĐHQG TP Hồ Chí Minh có việc làm sau tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, một số trường khác công bố tỉ lệ này trên 90% lại gây ra băn khoăn vì khó kiểm chứng tính chính xác.
Tỉ lệ “nửa vời”
Tổng hợp số liệu thống kê năm 2018 của khoảng 181 cơ sở giáo dục ĐH và cả 40 trường CĐ gửi báo cáo về Bộ, so sánh tỉ lệ sinh viên có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi của năm 2018 và sinh viên tốt nghiệp ĐH năm 2017, có các chỉ số tương ứng là: 91,6% và 87%. Điều này cho thấy tỉ lệ sinh viên có việc làm năm 2018 đã tăng lên đáng kể so với năm 2017, dù tỉ lệ sinh viên ĐH có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi của năm 2018 chỉ đạt 65,5%.
Trong số đó, nhiều trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 1-2 năm tốt nghiệp chiếm từ 90% trở lên như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Tài chính, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)... Đáng chú ý, Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt 100%.
Tuy nhiên, thực tế đây mới là tỉ lệ sinh viên có phản hồi về nhà trường khi trường thực hiện khảo sát. Còn một bộ phận sinh viên chưa có phản hồi về trường, trường chưa liên lạc được… là một khoảng trống lớn về thông tin.
Đơn cử như Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉ lệ sinh viên có việc làm năm 2016 là 92,27%. Tuy nhiên, thực tế khóa 2016 trường có 623 sinh viên tốt nghiệp, trường khảo sát được hơn 394 sinh viên và hơn 90% sinh viên trong số này có việc làm. Như vậy, còn hơn 229 sinh viên chưa được đưa vào thống kê và con số 92,27% rõ ràng mới chỉ là một phần về thông tin tỉ lệ việc làm của sinh viên Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu.
Quy định các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp được ban hành từ năm 2009, tại Thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, nhiều trường chưa thực hiện nghiêm túc quy định này và còn có hiện tượng thống kê cho có hoặc không thống kê. Trong Đề án tuyển sinh năm học 2019-2020 của nhiều trường, các thí sinh và gia đình “tìm đỏ mắt” cũng không thấy thông tin về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp nên thiếu căn cứ để tham khảo… Hoặc những thông tin có tính tham khảo “nửa vời” như trên lại gây băn khoăn lớn cho người đọc về tính chính xác của nó.
Cần chế tài kiểm chứng
Năm học 2019-2020, Bộ GDĐT chính thức sử dụng tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm làm một trong các tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đồng thời, để thực hiện kiểm định chất lượng cũng không thể thiếu tiêu chí này. Tuy nhiên, theo quy trình, trước hết các trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và về Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT. Cục nhận được báo cáo tự đánh giá đó sẽ xem hình thức báo cáo là đầy đủ, đúng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn hay chưa. Nếu đúng rồi thì Bộ đưa tên đơn vị vào danh sách những đơn vị đã hoàn thành tự đánh giá (không xem về chuyên môn).
Sau khi có tên trong danh sách này, trường mới được tự liên hệ với cơ quan kiểm định để đăng ký đánh giá ngoài. Trường sẽ gửi báo cáo tự đánh giá đó cho tổ chức kiểm định để họ thẩm định và nếu đạt trên 80% các tiêu chí thì sẽ tổ chức kiểm định.
Như vậy, tiêu chí về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mặc dù có trong hồ sơ thẩm định và quá trình kiểm định cũng được đề cập nhưng độ chính xác của các thông tin này là bao nhiêu thì không dễ kiểm định. Thừa nhận thực tế này, TS Dương Như Hùng- Trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, đối với các kiểm định viên, tỉ lệ sinh viên có việc làm được các trường công bố nhiều hơn 90% có chính xác hay không rất khó kiểm soát.
Giải pháp được TS Phạm Thị Ly- Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục đưa ra là cần tăng cường tính minh bạch và công khai về thông tin trước hết từ phía các trường. “Chính sách có thể yêu cầu tính minh bạch thông tin với toàn xã hội, khi đó chúng ta không chỉ dựa vào các trung tâm kiểm định mà còn dựa vào toàn xã hội. Các thông tin công khai được công bố có thể đúng hoặc không nhưng khi có hàng trăm ngàn con mắt nhìn vào thì chính các trường phải thận trọng hơn”- TS Ly nhấn mạnh.
Công khai tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là công việc cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với nhu cầu của thị trường lao động, thể hiện cam kết chất lượng của nhà trường. Đặc biệt, trong điều kiện đẩy mạnh tự chủ ĐH, việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, nếu chỉ công khai cho có mà không có sự kiểm soát thì quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Theo các chuyên gia cần có chế tài để kiểm soát việc này, tạo sự công bằng cho các nhà trường. Đặc biệt, với những trường thực hiện không nghiêm túc thì cần có chế tài đủ mạnh, ở mức cao nhất là dừng tuyển sinh đối với những đơn vị làm sai quy định của Bộ GDĐT để tạo niềm tin về chất lượng đào tạo, giúp thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo.