Tia UV ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Tia UV cực nguy hiểm bạn cần chú ý để phòng tránh để không gây nguy hiểm đến làn da.
Tia UV là gì?
Ánh sáng mặt trời mang lại sự sống cho Trái Đất, nhưng cũng mang theo bức xạ điện từ đe dọa cho sức khỏe và làn da con người. Tùy theo độ dài bước sóng mà các nhà khoa học phân loại ra thành 3 nhóm chính: Tia hồng ngoại, ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy và tia tử ngoại.
Ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy có độ dài bước sóng từ 390-790 nanomet và chiếm 40% trên tổng tỉ lệ bức xạ mặt trời chiếu xuống mặt đất. Tia hồng ngoại có bước sóng trên 700 nanomet và chiếm 50% tổng tỉ lệ bức xạ. Tuy chúng ta không thể thấy tia hồng ngoại nhưng chúng ta có thể cảm nhận được. Tia hồng ngoại mang sự ấm áp của Mặt trời đến cho Trái Đất.
Tia tử ngoại còn được biết đến với các tên như: Tia cực tím (Ultraviolet), tia UV…Trong nhóm tia tử ngoại, các nhà khoa học đã dựa vào bước sóng ánh sáng và chia ra thành 3 loại tia chính: UVA, UVB và UVC.
Tia UVA/ UVB/ UVC
Muốn biết được tác hại của tia UV ảnh hưởng như thế nào, chúng ta nên tìm hiểu về các loại tia này:
1. UVA là gì?
Theo tác giả Đỗ Anh Thư và Phạm Hương Thủy trong quyển “Dưỡng da trọn gói“, tia UVA có bước sóng từ 320-400 nanomet và chiếm 9.5% trong tổng lượng bức xạ mặt trời. Có thể nói, nơi nào có ánh mặt trời, nơi đó có tia UVA. Tia UVA có thể xuyên qua cả quần áo, cửa kính và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.
Trong tia UVA lại chia ra thành 2 loại: bước sóng ngắn và bước sóng dài. UVA có bước sóng ngắn (320-340 nanomet) gây ảnh hưởng đến tầng hạ bì của da khiến da bị sạm và nám. UVA có bước sóng dài (từ 340-400 nanomet) sẽ xâm nhập vào tầng hạ bì của da, phá hủy Collagen khiến da nhanh chóng lão hóa.
2. UVB là gì?
Tia UVB có bước sóng từ 290-320 nanomet và chiếm 0.5% tổng lượng bức xạ mặt trời. Tác hại của tia UVB đã suy giảm do sự cản trở của tầng khí quyển. Vì có bước sóng nhỏ nên tia UVB dễ dàng bị chặn lại bởi cửa kính thông dụng.
Tuy nhiên tác hại của tia UV này với da và sức khỏe không hề nhỏ. UVB ảnh hưởng trực tiếp đến tầng biểu bì của da, khiến da trở nên khô nẻ, sạm, cháy nắng, nám, tàn nhang, đồi mồi và kích ứng. Ngoài ra, Đỗ Anh Thư và Phạm Phương Thủy còn cho biết: Tia UVB sẽ làm các phân tử Oxy bền vững thành các gốc tự do, ảnh hưởng lớp đáy của tầng biểu bì. Khi lớp đáy của biểu bì tổn thương, sẽ sản sinh ra các tế bào con bị hỏng hóc. Dần dà các tế bào lỗi hỏng sẽ tạo ra các khối u và gây ra ung thư da.
3. UVC là gì?
Tia UVC có bước sóng từ 100 – 290 nanomet và có khả năng hủy diệt. May thay, tầng khí quyển đã cản toàn bộ lượng tia UVC nên chúng ta hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi “kẻ sát nhân” này.
Nắng và tia UV ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Ánh nắng mặt trời khi phản chiếu trên cát, tuyết, nước, hoặc thủy tinh, bê tông đều làm tăng khả năng tiếp xúc với các tia UV. Điều này làm ảnh hưởng tới mắt, khiến con người dễ gặp các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể, gây mất thị lực….
Tia UV nguy hiểm thế nào?
Thang đánh giá tia UV hay còn gọi là chỉ số UV (UV index) được sử dụng tại Mỹ dựa trên sự tích hợp các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, khi cơ thể con người tiếp xúc với tia UV trong thời gian ngắn có thể gây đau đớn, nặng có thể gây bỏng nhiệt, lâu dần sẽ gây ung thư da và tử vong.
Nắng và tia UV ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Chỉ số UV được đánh giá theo thang điểm từ 0 (mức thấp nhất) đến 11+ (là mức cao nhất) . Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số bức xạ cực tím (tia UV) cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút.
Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, bức xạ tại đây đã đạt mức 10/12, tức là có nguy cơ làm bỏng nắng với da không được bảo vệ khi tiếp xúc trực tiếp khoảng 25 phút.
Cách bảo vệ da khỏi tia cực tím (tia UV)
Bạn cần tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10-16h).
Mặc quần áo dài tay, váy dài che kín cơ thể, chọn chất liệu vải dệt khít nhau, màu sáng để tránh bắt nắng. Thường xuyên dùng kem chống nắng, dù di chuyển bằng ô tô.
Đội mũ rộng vành để che mặt và cổ
Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau 2 giờ, cả khi trời có mây.
Luôn đeo kính khi ra đường
Trẻ em chỉ nên tắm nắng trong khoảng thời gian trước 8h và sau 17h. Hạn chế cho trẻ ra ngoài. Khi buộc phải ra ngoài, cần che chắn, bảo hộ, thoa kem chống nắng như người lớn.