Tích cực chăm sóc dưa lưới phục vụ tết

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, các hộ nông dân trồng hoa trái, rau màu và chăn nuôi trong tỉnh đang tất bật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để bước vào vụ thu hoạch phục vụ thị trường tết. Dưa lưới có vòng đời từ 60-75 ngày, nên hiện nhiều nhà vườn đang tích cực chăm sóc và kiểm soát sâu bệnh hại từng ngày trên cây.

HY VỌNG VỤ MÙA BỘI THU

Đây là năm thứ 4 gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng trồng dưa lưới và dưa lê. Để đạt năng suất cao, mỗi vụ gia đình anh luân phiên các giống dưa cũng như cách trồng trong cùng một nhà màng.

Theo anh Thân Ngọc Hùng, mỗi giai đoạn phát triển của dưa lưới đều phải kiểm tra, quan sát kỹ để kịp thời phòng và xử lý bệnh hại cây

Theo anh Thân Ngọc Hùng, mỗi giai đoạn phát triển của dưa lưới đều phải kiểm tra, quan sát kỹ để kịp thời phòng và xử lý bệnh hại cây

Thời điểm này, anh Dũng đang tất bật chăm sóc vườn dưa lưới giống Hà Lan, vỏ vàng cho thị trường tết Nguyên đán. Theo anh Dũng, dưa lưới từ khi xuống giống đến thu hoạch từ 60-75 ngày tùy giống. Dưa thuộc dòng cây lagim nên bệnh nhiều, tuy nhiên khi trồng trong nhà màng sẽ hạn chế được 60-70% các loại sâu bệnh hại, côn trùng. Và các bệnh thường gặp là sương mai, phấn trắng, sâu, bọ trĩ…, phải sử dụng chiết xuất sinh học để xử lý.

Vụ tết, dưa thường hút hàng hơn nên càng phải tập trung chăm sóc cả về mẫu mã và trọng lượng. Đối với dưa lê đạt trọng lượng 0,8kg là loại 1, còn dưa lưới trọng lượng từ 1,2-2kg, tùy giống trái lớn hay nhỏ.

Anh NGUYỄN TIẾN DŨNG, thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Vụ vừa qua, gia đình anh Dũng thu gần 4 tấn dưa/1.000m2 nên đặt mục tiêu chăm sóc vụ tết Nguyên đán 2024 đạt từ 5-6 tấn. Theo dự tính, vườn dưa của gia đình anh Dũng sẽ bắt đầu thu hoạch từ 23 tháng Chạp (tết ông Táo).

Ông Trần Văn Hoạch thăm vườn, kiểm tra dưa tạo lưới và cắt tỉa lá, tạo sự thông thoáng cho vườn cây

Ông Trần Văn Hoạch thăm vườn, kiểm tra dưa tạo lưới và cắt tỉa lá, tạo sự thông thoáng cho vườn cây

Là một trong những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thị xã năm 2023 và là hội viên Chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới phường Hưng Chiến (TX. Bình Long), ông Trần Văn Hoạch ở tổ 8, ấp Sở Nhì, phường Hưng Chiến đang chăm chút cho vườn dưa lưới trồng trong nhà màng rộng 1.200m2 của gia đình.

Vườn dưa của gia đình tôi được trồng từ diện tích cao su già cỗi, kém năng suất. Trồng dưa lưới tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Dưa lưới có thể trồng 4 vụ/năm và sau khi trừ chi phí lời hơn 50 triệu đồng/vụ. Vụ dưa lưới này, tôi chăm sóc tốt nên ước thu khoảng 5 tấn dưa/1.200m2. Đặc biệt, thời điểm này, thương lái đã hợp đồng đặt hàng và sẽ vào tận vườn thu mua.

Ông TRẦN VĂN HOẠCH, ấp Sở Nhì, phường Hưng Chiến, TX. Bình Long

Vườn dưa lưới giống TL3 của hộ ông Hoạch đã gần 50 ngày tuổi và thời điểm này đang tỉa lá, làm thông thoáng cây. Theo ông Hoạch, vườn dưa của gia đình sẽ bắt đầu thu hoạch từ 26 tháng Chạp. Đây là vụ thứ 4 gia đình ông trồng dưa lưới và vụ này là vụ cuối trong năm để đón tết. Cũng theo ông Hoạch, vụ dưa này dễ làm hơn, thời tiết mùa nắng dễ chăm sóc.

PHÁT TRIỂN CHI HỘI NGHỀ NGHIỆP

Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Chiến Nguyễn Thị Út Hiền cho biết: Chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới phường Hưng Chiến có 4 hộ trồng dưa, với tổng hơn 13.000m2. Đa số hội viên thực hiện trồng 4 vụ/năm và đạt năng suất bình quân hơn 4 tấn/sào. Những ngày này, hội viên chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới của phường đang tích cực đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn.

Chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình chăm sóc dưa lưới

Chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới phường Hưng Chiến (TX. Bình Long) giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình chăm sóc dưa lưới

Là người sát sao vườn dưa mỗi ngày, anh Trần Hoàng Nam, con trai ông Hoạch cho biết: Để vườn dưa phát triển, đạt năng suất như mong muốn thì khâu chăm sóc rất quan trọng, phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phòng ngừa và xử lý sâu bệnh hại. Khi dưa có trái phải kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng nứt, thối trái, úng nước và bón phân đầy đủ. Theo anh Nam, giai đoạn quan trọng nhất là lúc chọn trái, mỗi cây dưa chỉ để duy nhất một trái và chăm sóc, tỉa lá cho thoáng cây có nắng để tạo lưới.

Cũng trồng giống dưa lưới TL3, anh Thân Ngọc Hùng, hội viên Chi hội nghề nghiệp trồng dưa lưới tổ 8, ấp Sở Nhì cho biết: Để trái đạt được vị ngọt như mong muốn, khi gần thu hoạch người trồng phải tăng cường bón phân. Đặc biệt, trên cùng một diện tích nên luân phiên trồng các giống dưa lưới khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Dưa trồng trực tiếp dưới đất sẽ cho năng suất cao hơn và dễ xử lý bệnh hại.

Tết là thời điểm lượng hàng tiêu thụ nhiều, thời tiết thuận lợi và giá bán cao hơn nên anh Hùng chú trọng chăm sóc cẩn thận. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Hùng cho biết: Thời điểm quan trọng nhất là khi thụ phấn cho cây, nếu cây không có trái là thất bại.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Chiến Nguyễn Thị Út Hiền cho biết thêm: Ngoài hỗ trợ vốn, hội còn thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là trồng dưa lưới cho hội viên. Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động những hộ còn đất nhàn rỗi đầu tư vốn để nhân rộng mô hình này. Từ đó, thành lập tổ hợp tác để tạo động lực cho hội viên phát triển kinh tế gia đình và xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại địa phương.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/153448/tich-cuc-cham-soc-dua-luoi-phuc-vu-tet