Tích cực chuẩn bị mọi điều kiện

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Sự xuất hiện của một số môn học mới khiến nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đối diện với khó khăn về việc thiếu giáo viên. Với quyết tâm bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững, Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất, chủ động tháo gỡ việc thiếu giáo viên.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) thảo luận về sách giáo khoa lớp 3 mới. Ảnh: Minh Đức

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) thảo luận về sách giáo khoa lớp 3 mới. Ảnh: Minh Đức

Quyết tâm triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai với học sinh lớp 2, lớp 6 và năm học 2022-2023 sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Hiện tại, các trường học trên địa bàn Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Hiền, năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 là khối lớp đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã tổ chức cho đội ngũ giáo viên tìm hiểu kỹ về sách giáo khoa, thảo luận và bỏ phiếu đề xuất danh mục sách giáo khoa mới. Để đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh đối với các tổ hợp môn tự chọn, các trường học trên địa bàn quận Đống Đa đã xây dựng phương án thành lập các tổ hợp môn tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thế mạnh của từng trường...

Tại huyện Ba Vì, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số lượng trường học lớn, song huyện đã tích cực chuẩn bị, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tin học và ngoại ngữ cho khối lớp 3, bởi đây là năm đầu tiên hai môn học này có trong chương trình bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, toàn huyện có khoảng 150 lớp 3. Với chủ trương ưu tiên tối đa cho các khối lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Ba Vì đã tập trung nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến nay, các trường đều bảo đảm mỗi lớp 3 có một phòng để học sinh được học 2 buổi/ngày. Hiện, toàn huyện chỉ còn thiếu 2 phòng tin học và đang tiến hành làm thủ tục đầu tư.

Các trường học của thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Các trường học của thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (quận Ba Đình). Ảnh: Đỗ Tâm

Giải "bài toán" thiếu giáo viên

Một trong những thách thức đối với các địa phương, trong đó có Hà Nội là việc thiếu giáo viên dạy một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như: Tin học, ngoại ngữ ở lớp 3; môn khoa học tự nhiên ở lớp 7; môn âm nhạc, mỹ thuật ở lớp 10… Ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động tháo gỡ việc thiếu giáo viên, bố trí đội ngũ để bảo đảm dạy học chất lượng các môn này.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có thêm 2 lớp 3. Vì vậy, ngoài số giáo viên sẽ theo học sinh từ lớp 2 lên, nhà trường lựa chọn thêm giáo viên đang dạy ở các khối khác để thực hiện các hoạt động chuyên môn cùng nhóm giáo viên dạy lớp 3, sẵn sàng tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới. Với ưu thế là một trong các trường có số lượng giáo viên tin học, ngoại ngữ nhiều nhất quận, về cơ bản nhà trường đã đủ giáo viên tin học. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để ký hợp đồng giáo viên ngoại ngữ.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, giải quyết việc thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở lớp 10, nhà trường tích cực tìm nguồn nhân lực để ký hợp đồng. Phương án tối ưu là ký hợp đồng với giáo viên đang dạy tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận. Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mê Linh (huyện Mê Linh) Lê Trung Sơn, với kinh nghiệm triển khai các môn tích hợp ở lớp 6, nhà trường đã có phương án bố trí giáo viên vật lý, hóa học, sinh học để dạy môn khoa học tự nhiên. Ngoài việc ưu tiên cho đội ngũ này tham gia bồi dưỡng, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, quyết tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố tuyển dụng giáo viên. Trước mắt, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế, ưu tiên nguồn lực hiện có, ký hợp đồng thêm giáo viên để bảo đảm 100% học sinh lớp 3 học tin học, ngoại ngữ; học sinh lớp 10 được đáp ứng tốt nhất trong việc lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp để học tập.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1029881/tich-cuc-chuan-bi-moi-dieu-kien