TÍCH CỰC NGHIÊN CỨU CÁC GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Tại buổi làm việc trực tuyến toàn cầu với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị và mong muốn các tập đoàn chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới trong ứng phó với đại dịch, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được cái lợi ích của y tế với các lợi ích về kinh tế - xã hội khác, phục hồi kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Thay mặt các doanh nghiệp đồ uống chia sẻ về khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2011, đánh giá rất cao những nỗ lực và việc hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19 và các tác động tiêu cực của đại dịch. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải vật lộn để phục hồi sản xuất kinh doanh trước những tác động tiêu cực của đại dịch, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao…

Đại sứ Michael Michalak kiến nghị Việt Nam tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí. Việt Nam cân nhắc không xem xét tăng thuế hoặc bổ sung bất kỳ loại thuế mới nào trong thời gian tới để doanh nghiệp có thể tập trung vào việc phục hồi và tiếp tục sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Các quy định về các biện pháp phòng chống, dịch giữa các cơ quan trung ương và địa phương cần thống nhất và cần có cơ chế giám sát

Thời gian qua, Việt Nam đã rất lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đã có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong lưu thông, sản xuất, và kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương áp dụng những quy định và thủ tục riêng và không thống nhất với chỉ đạo, hướng dẫn đã ban hành, khiến cho hoạt động lưu thông và sản xuất hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng không có phương thức nào để phản ánh những khó khăn, vướng mắc của mình.

Vì vậy, cần rà soát các văn bản hướng dẫn của địa phương, kiên quyết bãi bỏ các văn bản, hướng dẫn trái với chỉ đạo về các biện pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành lập một kênh thông tin hiệu quả và thiết thực để doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các qui định về phòng chống dịch của địa phương và một tổ công tác đặc biệt chuyên tiếp nhận và phản hồi nhanh các ý kiến của doanh nghiệp.

Các chính sách miễn giảm thuế, phí cần thiết thực và hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2011, phát biểu trực tuyến

Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007-2011, phát biểu trực tuyến

Đại sứ Michael Michalak cũng ghi nhận Việt Nam đã ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như giảm và giãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, giảm lãi suất, giảm các phí dịch vụ tiện ích. Một số chính sách đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh này. Tuy nhiên, những đối tượng được hưởng các chính sách này rất hạn chế vì chỉ áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch. Trong bối cảnh gần như tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Việt Nam cần xem xét mở rộng hơn các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí và các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra cần có thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn như giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, giảm các khoản đóng góp bảo hiểm của doanh nghiệp.

Trao cho doanh nghiệp quyền chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình sản xuất kinh doanh

Theo Đại sứ Michael Michalak, Việt Nam đưa ra hướng dẫn về điều kiện, tiêu chí… khung nhằm đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh diễn ra an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Tùy vào bối cảnh cụ thể của mình, doanh nghiệp chủ động lựa chọn và triển khai biện pháp phòng dịch và sản xuất, kinh doanh; ví dụ như phương thức/mô hình sản xuất phù hợp, tự test COVID-19 cho lao động của mình theo tần suất phù hợp và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra…

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Cho biết, theo thống kê, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp FDI buộc phải chuyển một phần đơn hàng sang các thị trường khác.

Nhấn mạnh khó khăn chỉ là trước mắt và tạm thời, nền tảng vĩ mô của Việt Nam và nền tảng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn đang rất tốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn có niềm tin để tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp trả lời và trao đổi về những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp trả lời và trao đổi về những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm

Chủ tịch Quốc hội tán thành với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; đồng thời cho biết hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã ban này rất nhiều chính sách liên quan. Qua Tọa đàm của Quốc hội Việt Nam tổ chức để tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội cũng đã thống nhất tiếp tục cần phải có những cái gói hỗ trợ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn đối với chính sách tài khóa; chính sách tài khóa cần phải có đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, không chỉ giãn, hoãn thuế mà còn hỗ trợ cho doanh nghiệp đang bị thua lỗ hoặc gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Quốc hội Việt Nam cũng đã có gợi ý những giải pháp mới trong việc hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp bị thua lỗ, như hỗ trợ chi phí đầu vào, khấu trừ cao hơn thực tế đối với các chi phí đầu vào như tiền công hoặc cho phép chuyển lỗ vào những thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành… Hiện nay, cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đang tích cực nghiên cứu cho việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Chuyển hướng chính sách

Đối với các kiến nghị, đề xuất liên quan đến mở cửa trở lại hoạt động về kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược theo nguyên tắc "sống chung an toàn, thích ứng với dịch bệnh Covid-19".

Nhiều tập đoàn trong buổi làm việc cũng đã đề cập vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các tập đoàn chia sẻ kiến thức chuyên môn được thực tiễn tốt nhất trên thế giới trong ứng phó với đại dịch, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được cái lợi ích của y tế với các lợi ích về kinh tế - xã hội khác, phục hồi kinh tế.

Vấn đề đặt ra là mở cửa trở lại như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội cùng với Chính phủ đang tập trung nghiên cứu chiến lược để có khung khổ chính sách, thống nhất và nhất quán để áp dụng một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có linh hoạt, điều chỉnh nhất định cho từng địa phương. Nếu khác nhau ở các địa phương sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhiều khâu từ sản xuất đến tiêu thụ ở các địa phương khác nhau.

Nhấn mạnh mong muốn các doanh nghiệp tham gia góp ý vào khung khổ chính sách thích ứng với dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo này cần được thảo luận một cách kỹ lưỡng, cân nhắc một cách thận trọng nhưng phải quyết định một cách quyết đoán và tổ chức tổ chức thực hiện một cách rất quyết liệt và thống nhất./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59526