Tích hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển kép cả kinh tế số và kinh tế xanh

Chiều 28/5, tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) đã chính thức khai mạc với chủ đề Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số. Tới dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan các gian hàng triển lãm bên lề Vietnam - Asia DX Summit 2024.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan các gian hàng triển lãm bên lề Vietnam - Asia DX Summit 2024.

Đây là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, và đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để Việt Nam phát triển.

Trong thời gian qua chúng ta đã làm được một số việc quan trọng, khởi động tốt và tạo niềm tin ban đầu, sự hưởng ứng của toàn xã hội, đã thực hiện chuyển đổi số được trong một số ngành như tư pháp, nông nghiệp, ngân hàng... và có sự đầu tư hạ tầng mạnh mẽ. Một số doanh nghiệp đã có sự khởi động ngoạn mục và có sự cạnh tranh với quốc tế...

Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi Số Việt Nam - châu Á 2023.

Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi Số Việt Nam - châu Á 2023.

Nhưng theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, việc chuyển đổi số của chúng ta còn một số hạn chế như: không phải ai cũng quan tâm vấn đề này, kể cả những người có trách nhiệm; cơ sở thể chế, chính sách chưa tạo được đường băng cho sự phát triển; hạ tầng có phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực chưa được ưu tiên và đáp ứng sự tiên phong...

Phó Thủ tướng chỉ đạo sáu giải pháp: Thứ nhất, cần có sự nhìn nhận đúng mực để dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này để. Thứ 2, cần chú trọng đầu tư hạ tầng số, nhất là ở các trung tâm kinh tế cần có sự ưu tiên trong sử dụng ngân sách. Thứ 3, cần huy động ngoài ngân sách, vì ngân sách chỉ chiếm rất nhỏ. Thứ 4, là cần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Để thực hiện mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030, nên kêu gọi các tập đoàn Samsung, Intel, LG... cùng đào tạo để vừa học vừa hành. Thứ 5, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ 6, cố gắng từng bước "ngồi trên vai người khổng lồ" qua các hợp tác quốc tế, dự án FDI và qua các chuyên gia người nước ngoài.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT.

Cũng tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số tại cả Việt Nam và châu Á.

"Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hóa với hai xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trong điểm này", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21.

"Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh. Chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ bảo đảm cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược".

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thì đều cần đến công nghệ số mà công nghệ số thì cốt lõi nó chính là bán dẫn.

Bộ Thông tin và truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn. 3 điều trọng yếu trong chiến lược này là: Thứ nhất, phát triển chip bán dẫn phải nằm trong chiến lược về công nghiệp điện tử Việt Nam. Thứ 2, Việt Nam sẽ đi từ đào tạo nhân lực bán rất toàn cầu đến công việc bán dẫn. Thứ 3, Việt Nam sẽ là số một trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 1 tháng nữa là chương trình chuyển đổi số Việt Nam được 4 năm và bước sang năm thứ 5. "Chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với bốn trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số," Bộ trưởng nói.

Sau phiên khai mạc, ngày 29/5 sẽ diễn ra 7 phiên Hội thảo, hội nghị, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024. Ngoài ra, Diễn đàn còn tổ chức hoạt động triển lãm trưng bày các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ, và các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tich-hop-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-de-phat-trien-kep-ca-kinh-te-so-va-kinh-te-xanh-post811538.html