Tích hợp kế toán phát triển bền vững và ESG
Yếu tố phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành một phần chính trong quá trình ra quyết định của các nhà đầu tư. Do đó, ngày càng nhiều công ty tập trung vào các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), và các hoạt động kế toán cũng đang xem xét kỹ lưỡng hơn vấn đề này.

Ảnh minh họa. Nguồn: som.edu.vn
Chuẩn hóa thông tin về phát triển bền vững
Kế toán PTBV thường được sử dụng để mô tả một loạt các công cụ kế toán và báo cáo dựa trên 3 khía cạnh là môi trường, xã hội, và hội nhập. Mở rộng hơn, kế toán PTBV chú ý nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và quản trị, không chỉ các vấn đề môi trường. Kế toán PTBV có thể được phân thành các dạng: kế toán môi trường, xã hội và PTBV; các dạng đặc biệt của kế toán chi phí; kế toán xã hội và phân tích dòng chất.
Trong đó, kế toán môi trường, xã hội và PTBV ghi lại và kiểm tra các tác động xã hội và sinh thái của các hoạt động của tổ chức thông qua thẩm định đầu tư và lập ngân sách sinh thái; các loại kế toán chi phí đặc biệt gồm kế toán chi phí môi trường, kế toán chi phí dòng nguyên liệu, kế toán quản lý môi trường.
Kế toán xã hội bao gồm các hệ thống kế toán cung cấp thông tin về chi phí xã hội và lợi ích của hoạt động trong tổ chức. Thông thường, nó không cung cấp một báo cáo xã hội (như là bảng cân đối kế toán), nhưng đôi khi thông tin từ kế toán xã hội có thể lập các báo cáo xã hội. Các báo cáo phân tích dòng chất và phân tích con đường của một chất (từ trạng thái nguyên liệu thô đến chất thải) bao gồm kế toán dòng nguyên liệu, tức là phân tích các dòng nguyên liệu ở quy mô của địa phương.
Các chuẩn mực kế toán bền vững của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB) được xây dựng để giải quyết nhu cầu của thị trường về việc công bố thông tin phát triển bền vững được chuẩn hóa, có tính trọng yếu trên phương diện tài chính và hữu ích cho việc ra quyết định. Chuẩn mực cũng yêu cầu, thông qua khung báo cáo tích hợp, kế toán cần liên kết chặt chẽ tính bền vững, việc tạo ra giá trị tài chính cho các nhà đầu tư với các bên liên quan mà công ty hợp tác và phục vụ, xã hội mà công ty hoạt động, tài nguyên thiên nhiên mà công ty khai thác.
Cung cấp thông tin toàn diện
Chuẩn mực kế toán bền vững của SASB yêu cầu các tổ chức trình bày các thông tin về tất cả các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững có thể ảnh hưởng đến dòng tiền, khả năng tiếp cận tài chính hoặc chi phí vốn trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Khi tích hợp kế toán PTBV và ESG, kế toán viên cần thực hiện tổng hợp từ chiến lược, sử dụng, ghi nhận tài sản, các khoản nợ phải trả cho tới trình bày và công bố báo cáo PTBV.
Theo đó, một khoản nợ phải trả là một nghĩa vụ tồn tại tính đến ngày báo cáo tài chính và đòi hỏi phải chuyển giao nguồn lực cho một bên khác. Các kế toán viên cần cân nhắc cẩn thận thời điểm nghĩa vụ của đơn vị và nghĩa vụ đó có tồn tại tính đến ngày báo cáo tài chính hay không. Ví dụ, nếu một công ty phải chịu một nghĩa vụ do phát thải carbon trong tương lai, nghĩa vụ đó có thể không tồn tại tính đến ngày báo cáo tài chính.
Hiện nay, các điều khoản của công cụ nợ liên kết với tính bền vững và công cụ nợ thông thường có thể khá giống nhau. Tuy nhiên, mỗi công cụ nợ liên kết với tính bền vững có thể có mối liên hệ môi trường riêng. Ví dụ, công cụ nợ có thể phải chịu sự hoàn trả trước hạn nếu bên vay không đạt được mục tiêu về chỉ số bền vững vào một ngày cụ thể hoặc lãi suất theo hợp đồng có thể giảm nếu bên vay đạt được các mục tiêu được xác định trước về việc giảm phát thải khí nhà kính.
Đối với tài sản, trong xu thế hướng tới PTBV, một tổ chức chuyển đổi hoạt động kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường cần đánh giá việc sử dụng liên tục và khả năng thu hồi các tài sản cố định hữu hình hoặc vô hình như bất động sản, quyền sở hữu tài sản, nhà máy và thiết bị, hàng tồn kho, tài sản thuế hoãn lại và tài sản cho thuê. Trên cơ sở các thay đổi hoạt động kinh doanh tổ chức có thể cần đánh giá lại thời gian sử dụng hữu ích của một tài sản hoặc kiểm tra tài sản để xác định tình trạng suy giảm.
Ví dụ, nếu một công ty có kế hoạch giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách thay thế thiết bị sản xuất hiện tại bằng công nghệ và thiết bị mới, công ty đó cần đánh giá các kế hoạch đó có ảnh hưởng đến khả năng thu hồi của thiết bị sản xuất hiện có hay không và tuổi thọ của thiết bị hiện có có còn phù hợp hay không. Ngoài ra, công ty đánh giá quy trình sản xuất trong tương lai để xem xét biên lợi nhuận và dòng tiền tương lai hoặc khả năng thu hồi của hàng tồn kho, số dư tài sản thuế hoãn lại.
Về trình bày các thông tin, các tổ chức cần thực hiện các yêu cầu về trình bày và thuyết minh bắt buộc đối với các mục được ghi trong báo cáo tài chính trên cơ sở các quy tắc kế toán hiện hành giúp người sử dụng báo cáo tài chính đánh giá các rủi ro. Ngoài ra, trên cơ sở các quy tắc kế toán hiện hành, các công ty cần trình bày các cam kết. Các công ty nên đánh giá các kế hoạch giảm lượng khí thải carbon của mình để xác định xem họ có rủi ro, bất trắc hoặc cam kết lớn nào cần được công bố trong báo cáo tài chính hay không.
Với các thông tin về quản trị cần đảm bảo về quy trình, biện pháp kiểm soát và thủ tục quản trị mà một công ty sử dụng để giám sát các rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững, bao gồm: Điều khoản tham chiếu, nhiệm vụ, mô tả vai trò và các chính sách liên quan khác áp dụng cho cơ quan quản lý; khả năng/phát triển các kỹ năng và năng lực phù hợp để giám sát các chiến lược liên quan đến rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững (SRRO); hội đồng quản trị được thông báo về SRRO như thế nào và tần suất ra sao; SRRO được tích hợp như thế nào vào chiến lược, quyết định về các giao dịch lớn, quy trình quản lý rủi ro và các chính sách liên quan của tổ chức bao gồm cả các sự đánh đổi được cân nhắc; sử dụng các biện pháp kiểm soát và quy trình nội bộ đối với các SRRO và tích hợp chúng với các chức năng nội bộ khác; giám sát các mục tiêu đã đặt ra và theo dõi tiến độ…
Kế toán PTBV hướng tới việc cung cấp thông tin toàn diện, hữu ích cho quyết định về tính bền vững cho thị trường vốn. Với việc cung cấp hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo PTBV, kế toán PTBV góp phần cung cấp ngôn ngữ chung về báo cáo liên quan đến tính bền vững, với sự linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thông tin của các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo
1. Peterson K. Ozili. (2022). Sustainability accounting, SSRNElectronic Journal.
2. Schaltegger, S. and Synnestvedt, T. (2002) The Link between “Green” and Economic Success: Environmental Management as the Crucial Trigger between Environmental and Economic Performance. Journal of Environmental Management, 65, 339-346.
3.http://vaa.net.vn/nghien-cuu-moi-lien-he-esg-voi-su-phat-trien-cua-thi-truong-tai-chinh/.
4.https://www.pwc.com/vn/vn/publ...
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tich-hop-ke-toan-phat-trien-ben-vung-va-esg-40225.html