Tích lũy vị thế
Ba phiên cuối tuần qua, sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là áp lực chốt lời ngắn hạn phiên cuối tuần được hấp thụ.
Định giá: Hấp dẫn, nhưng không cào bằng
Sau những đợt điều chỉnh mạnh trong năm 2022, định giá thị trường chứng khoán hiện đã giảm xuống mức khá rẻ khi cả P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình 10 năm.
Tuy nhiên, bức tranh vĩ mô Việt Nam đang có dấu hiệu suy yếu theo xu hướng suy thoái chung của thế giới. Vì vậy, nhà đầu tư cần tránh mua đuổi những cổ phiếu có định giá rẻ mà không tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro, vì định giá có thể sẽ rẻ hơn. Nhìn lại năm 2021, định giá P/E của VN-Index có thời điểm chỉ là 8 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 11,1 lần hiện tại.
Ngoài ra, nguy cơ kết quả kinh doanh năm 2023 giảm sút có thể biến định giá rẻ thành đắt. Năm 2022, các doanh nghiệp đạt lợi nhuận khả quan nhờ kinh tế khởi sắc hậu Covid-19. Thời gian tới, dự báo thị trường vốn khó tiếp cận, nhu cầu suy yếu, chi phí tài chính tăng..., khả năng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp suy giảm.
Thị trường: Tích lũy vị thế, chờ điểm bùng nổ
Tuần qua, thị trường “tàu lượn” theo chiều hướng tích cực khi áp lực bán giải chấp được bên mua hấp thụ. VN-Index đóng cửa với mẫu nến Pinbar “chân dài” tại 969,33 điểm, tăng 1,55%, hồi phục một nửa mức giảm của tuần trước đó. Mẫu nến kèm điểm nhấn về thanh khoản xác nhận cho tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn. Khối ngoại có động thái bắt đáy khi mua ròng 5.000 tỷ đồng trong tuần.
Về độ rộng thị trường, sắc xanh lan tỏa trên hầu hết các nhóm ngành; chỉ riêng sức ép không thay đổi tại 2 cổ phiếu bất động sản chịu tác động bởi tình trạng giải chấp (NVL, PDR). Mặc dù vậy, xét trong trung hạn, vận động của chỉ số chưa có tín hiệu bứt phá vượt biên trên của kênh giá giảm từ đầu tháng 10, mức kháng cự trước mắt tại 990 điểm.
Nhìn lại diễn biến giao dịch cuối tuần qua, điểm số điều chỉnh tương đối lớn trong phiên sáng, áp lực tưởng chừng gia tăng vào phiên chiều khi lượng hàng phiên bắt đáy giữa tuần về tài khoản, nhưng bên mua dần dần chiếm ưu thế. VN-Index neo đậu trên đường tín hiệu MA10 bắt đầu lấy lại sự cân bằng. Vận động kéo ngược vào phiên cuối tuần xác nhận cho vị thế mua chủ động tiếp diễn, hấp thụ áp lực chốt lời trong ngắn hạn, tạo động lượng tăng điểm trong tuần mới.
Ở góc nhìn bùng nổ theo đà (FTD), thị trường đã có 3 phiên nỗ lực phục hồi, chờ đợi ngày FTD xuất hiện để củng cố cho việc gia tăng vị thế giao dịch. Chiến lược mua khi điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ tại vùng 945 điểm, nhưng chỉ số đang có ngưỡng kháng cự tại 990 điểm.
Ngành nổi bật: Ngân hàng
Thanh khoản hệ thống ngân hàng 2 tháng gần đây có dấu hiệu “căng thẳng”, dẫn đến cuộc đua nâng lãi suất huy động, đặc biệt trong tháng 10. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng đã vượt 10%/năm, lãi suất qua đêm liên ngân hàng có thời điểm vượt 8%/năm. Nhờ sự can thiệp chủ động từ phía Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở và sự trấn an niềm tin người dân đối với hệ thống ngân hàng, áp lực thanh khoản đã hạ nhiệt.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của ngành ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận sau thuế, đạt 53,4%, dù biên lợi nhuận ròng thu hẹp do chi phí huy động tăng cao và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ gia tăng. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành tính đến cuối quý III/2022 ở mức cao, nhưng trong bối cảnh có nhiều biến động về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động và cơ cấu nợ, nợ xấu có nguy cơ tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số ngành ngân hàng vận động “đỡ giá”, thu hút dòng tiền lớn, hình thành mẫu hình 3 đáy với ngưỡng hỗ trợ tại 127 điểm. Động lượng phân kỳ dương với RSI hiện tại, việc thử thách ngưỡng kháng cự 147 điểm chỉ là vấn đề thời gian. Lưu ý, trong thời điểm hiện tại, điểm mua an toàn đối với nhóm ngân hàng đã qua, nhưng cân nhắc tham gia khi nhóm này xác nhận vai trò dẫn dắt thị trường (vượt cản xu hướng tại 147 điểm). Một số cổ phiếu đáng chú ý là ACB, LPB, STB.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tich-luy-vi-the-post310348.html