Tiếc nuối không gian biển quyến rũ bậc nhất

Bờ biển phía đông TP Đà Nẵng dài khoảng 16 km, kéo dài từ chân bán đảo Sơn Trà đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam bị hàng chục dự án resort, nhà hàng xây dựng án ngữ mặt tiền biển.

LTS: Gần đây, Bình Định và Nghệ An đã tiên phong lấy lại không gian biển cho người dân bằng cách thu hồi các khách sạn ven biển, tháo dỡ hàng trăm kiốt sát biển. Việc làm này nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, mở ra tiền đề cho các tỉnh, TP giáp biển trong cách xử lý hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Đà Nẵng cũng có số lượng dự án ven biển rất lớn nằm chắn ngang bờ biển khiến không gian biển bị bóp nghẹt. Câu hỏi đặt ra là Đà Nẵng có muốn làm và làm được như những gì các địa phương khác đã làm?

Năm 2005, tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ bình chọn bãi biển Mỹ Khê (phía đông TP Đà Nẵng) là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Trong đó, những tiêu chí đầu tiên để tạp chí Forbes bình chọn chính là “sự thuận lợi về giao thông” và “dễ đi lại”. Thế nhưng, hiện nay hàng dài resort, nhà hàng xây sát biển đang khiến cho ưu điểm này bị hạ cấp do chắn ngang đường ra biển.

Tuyến đường ven biển phía đông TP Đà Nẵng có hàng chục dự án chắn ngang bờ biển. Ảnh: TẤN VIỆT

Bóp nghẹt không gian biển

Ông Nguyễn Hồng Nam (65 tuổi, ngụ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã sinh sống gần biển Mỹ Khê hàng chục năm. Thói quen ra biển vào mỗi sáng sớm và buổi chiều để tận hưởng không khí biển của ông Nam cũng như nhiều người dân khác rất khó thay đổi. Nhưng khác so với trước đây, bây giờ ông Nam phải đi vòng xa hơn mới ra được bờ biển vì các resort và nhà hàng chắn hết lối xuống biển.

“Trước đây đi bộ 10 phút là ra được biển, giờ phải đi vòng xa hơn nhiều vì họ xây dựng chắn hết rồi. Cách đây mấy năm, TP cho mở năm lối xuống biển xuyên qua các resort nhưng không thấm tháp vì đường nhỏ hẹp quá mà nhu cầu của người dân vào mùa hè rất đông. TP cũng cấp phép cho xây thêm nhà hàng, quán bar lấn biển nên chúng tôi càng phải đi vòng xa hơn. Không gian biển không còn rộng mở như xưa quả thật là rất đáng tiếc” - ông Nam nói.

Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có đến 32 dự án đã và đang triển khai nằm sát biển tạo thành dãy tường rào chắn hết mặt biển. Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, hiện chỉ có 14/32 dự án được đưa vào sử dụng toàn phần.

12 dự án khác đang xây dựng và sáu dự án chưa khởi công. Riêng dự án Khu du lịch DL2-3 Bắc Nam 79 liên quan đến Vũ “nhôm”, UBND TP Đà Nẵng đã thu hồi 1,55 ha đất và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý. Một số dự án khác gặp vướng mắc đất đai hoặc liên quan đến các kết luận thanh tra, điều tra đang được TP Đà Nẵng tìm cách tháo gỡ.

Còn tại quận Sơn Trà, một dãy nhà hàng nối đuôi nhau hình thành và hoạt động hàng chục năm nay với nhiều lần sang nhượng, đổi tên cũng được xây dựng sát mép biển. Đó là các nhà hàng rất nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch. Phía bắc dãy nhà hàng này còn có hai dự án khác cũng chắn ngang bãi biển.

Những tiêu chí đầu tiên để tạp chí Forbes bình chọn chính là “sự thuận lợi về giao thông” và “dễ đi lại”. Thế nhưng, hiện nay hàng dài resort, nhà hàng xây sát biển đang khiến cho ưu điểm này bị hạ cấp do chắn ngang đường ra biển.

Mất mỹ quan, xói lở bờ biển

Nhiều lần kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Trí Tổng (ngụ quận Hải Châu) ghi nhận TP đã nỗ lực mở các lối xuống biển cho người dân bằng cách đàm phán với các resort để thu hồi đất. Tuy nhiên, theo ông Tổng, TP nên dừng lại việc cấp phép mới dự án ven biển, nếu không sẽ che khuất không gian, mất mỹ quan bờ biển.

 Nhiều công trình sát bờ biển làm mất không gian vốn có của biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều công trình sát bờ biển làm mất không gian vốn có của biển Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

“Đà Nẵng cố gắng làm như Quy Nhơn được thì tốt, trả lại không gian biển cho người dân là điều rất tốt và đúng đắn. Hết thời hạn thuê đất thì không cho thuê nữa, hoán đổi đất để trả lại bờ biển. Một số dự án thuê đất 50 năm mà còn ít năm nữa thì để họ làm hết hợp đồng. Dự án còn thời gian lâu dài thì nên hoán đổi đất, giải tỏa đi. Lãnh đạo TP cần đi đàm phán, đối thoại với doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của người dân. Tuy nhiên cũng cần xử lý khéo léo, không ép doanh nghiệp quá nhưng cũng không được để doanh nghiệp chiếm dụng bờ biển” - ông Tổng nói.

TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và công nghệ hóa ĐH Duy Tân, cũng chỉ ra nguyên nhân quan trọng khiến bờ biển Đà Nẵng bị xâm thực. Đó là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển, mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng.

Nhiều năm nghiên cứu tài nguyên nước, bà Phương chỉ rõ trong các giáo trình giảng dạy của mình rằng trước đây chỉ cần đào sâu xuống đất ven biển TP Đà Nẵng 1-2 m là đã thấy nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay nước ngầm tại đây đang cạn dần.

Bà Phương nêu ví dụ, một móng công trình ven biển rộng khoảng 500 m2, mỗi ngày đêm bơm hút ra cống 200 m3 nước. Những móng công trình này thường được thi công cả năm nên lượng nước ngầm mất đi là rất lớn. Chưa kể trong quá trình xây dựng, các nhà thầu khoan giếng hút nước ngầm tại chỗ để thi công.

“Nước ngầm ven biển mất đi làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy đoạn biển xói lở hiện nay trùng khớp với đoạn có nhiều công trình cao tầng nhất ở bên trong. Nếu cứ như vậy thì tương lai tuyến đường ven biển tại đây liệu có còn không?” - bà Phương cảnh báo.

Từ đó, bà Phương cho rằng TP Đà Nẵng cần dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, trong đó có việc hạn chế tối đa bê tông hóa ven biển cho đến khi nguồn nước phục hồi. TP cũng phải tính toán sự thâm nhập của nước mặn, tốc độ xói lở và quy mô xói lở để đưa ra giải pháp.•

Năm lối xuống biển chen giữa 32 dự án

Sau nhiều năm đàm phán với các nhà đầu tư để thu hồi một phần nhỏ diện tích đất đã giao làm resort, năm 2021, TP Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng năm lối xuống biển. Các lối xuống biển này gồm khu vực cuối đường Hồ Xuân Hương, lối giữa resort Furama và dự án Ariyana, lối xuống biển phía nam dự án Silver Shores, lối phía bắc dự án The Song và lối xuống biển giữa hai dự án Future Property Invest - Nam Khang. Tất cả nằm lọt thỏm giữa 32 dự án.

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiec-nuoi-khong-gian-bien-quyen-ru-bac-nhat-post743830.html