Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì 'đi bộ' trên đường sắt

– Thời tiết nắng nóng nên mỗi buổi chiều nhiều người dân thường dành thời gian đi bộ thể dục, hóng mát, vui chơi tại những nơi công cộng. Tuy nhiên, tại thành phố Lạng Sơn và một số nơi có tuyến đường sắt đi qua không ít người lại chọn khu vực này để làm nơi tập thể dục, đi bộ… bất chấp nguy cơ tai nạn rình rập.

Rất nhiều người dân đi bộ thể dục trên đường sắt tại khu vực Ga Lạng Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
( ảnh chụp 17 giờ 30 phút ngày 9/8/2023)

Lạng Sơn hiện có 2 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Lạng Sơn – Na Dương với tổng chiều dài hơn 120 km đi qua 5 huyện và thành phố Lạng Sơn. Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Tuy nhiên, tại một số nơi, tình trạng người dân chủ quan, đã sử dụng luôn tuyến đường sắt làm nơi tập thể dục, đá bóng, thả diều…

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, vào mỗi buổi sáng sớm và buổi chiều tối (từ khoảng 17 giờ), dọc theo tuyến đường sắt đi qua các địa bàn khu dân cư và trong phạm vi các nhà ga như: Ga Lạng Sơn, Ga Yên Trạch (qua thành phố Lạng Sơn), Ga Vôi Xô, Phố Vị, Bắc Lệ (qua địa bàn huyện Hữu Lũng), Ga Đồng Mỏ ( thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng)… không khó để bắt gặp từng tốp người dân đi tập thể dục, ngồi nghỉ hay trẻ con chơi đùa, đá bóng, thả diều trên đường sắt.

Có mặt tại khu vực sân Ga Lạng Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn lúc 17 giờ 30 phút ngày 9/8/2023, chúng tôi quan sát thấy có đến hàng chục người dân đi lại, vui chơi, từ người già, thanh niên đến trẻ nhỏ. Phần lớn họ đi vào khu vực sân ga bằng những đường ngang, lối mở ở xung quanh. Khi được phóng viên hỏi, hầu hết người dân đều ý thức được việc đi lại, vui chơi trên đường sắt là nguy hiểm thế nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Chị Nông Thị Hoa, khối 8, phường Đông Kinh cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra khu vực ga đường sắt này tập thể dục. Ở đây vừa sạch sẽ, vừa thoáng mát nên mọi người thường xuyên lên đây đi bộ, tập thể dục”.

Ông Trần Trọng Đoàn, Đội trưởng Đội đường 3, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà – Lạng cho biết: Trên tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng mỗi khi vào mùa hè rất nhiều người dân đi lại tập thể dục, thậm chí cho con em mình lên sân ga, đường ray chơi, hóng mát, thả diều bất chấp những nguy hiểm rình rập. Mỗi ngày có đến cả trăm lượt người dân đi lại, vui chơi ở những khu vực có đường sắt đi qua. Trước thực trạng đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sinh sống gần khu vực đường sắt về các quy định của Luật Đường sắt, nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên, một bộ phận người dân ý thức chưa tốt nên vẫn xảy ra tình trạng tập thể dục, đi bộ trên đường sắt.

Để đảm bảo ATGT, hạn chế thấp nhất tai nạn đường sắt xảy ra, các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng nỗ lực vào cuộc, phối hợp cùng ngành đường sắt tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc các hoạt động trên tuyến đường sắt.

Thượng tá Hoàng Xuân Thùy, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt – đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tuần có từ 21 – 24 chuyến tàu ngày, đêm chở hàng chạy trên tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng. Đặc biệt những chuyến tàu chạy không cố định thời gian, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Để bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, kết hợp giữa tuyên truyền với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đội cũng thường xuyên kiểm tra việc lắp đặt các rào chắn đảm bảo ATGT tại các lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt…

Theo đó, tính từ năm 2022 đến nay, Đội CSGT Đường sắt – Đường thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền lồng ghép gắn với tổ chức tuần tra, kiểm soát được 68 ca với trên 180 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, kiểm tra 168 lượt đường ngang có gác chắn, 83 lượt nhà ga, 10 lượt cung đường… Bên cạnh đó, đội CSGT các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Đường sắt được 82 buổi với 18.838 người nghe; xây dựng 2 phim khoa giáo tuyên truyền ATGT cho đối tượng là học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT…

Để người dân nâng cao nhận thức về đảm bảo ATGT đường sắt, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thiết nghĩ các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: qua hệ thống pa nô, áp phích, biển báo về giao thông, giáo dục pháp luật về giao thông phù hợp với từng độ tuổi. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì trên hết mỗi người tham gia giao thông, người dân sinh sống ven hành lang đường sắt phải nâng cao ý thức tự phòng ngừa nhằm tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trong 4 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt nào liên quan đến việc người dân đi bộ thể dục, vui chơi trên đường sắt. Tuy nhiên, hành vi đi bộ thể dục, vui chơi ở trên đường sắt, sân ga luôn tiềm ẩn tai nạn, mất ATGT, nhất là khi nhiều chuyến tàu chạy qua địa bàn thành phố không có thời gian cố định.

HOÀNG CƯỜNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/603695-tiem-an-nguy-co-tai-nan-vi-di-bo-tren-duong-sat.html