Tiêm cồn trong điều trị u tuyến giáp thế nào để không bị biến chứng?

Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh tiêm cồn trong thời gian dài tại một cơ sở tư nhân dẫn đến tình trạng xơ hóa vùng cổ trước.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Hiện nay, việc điều trị u tuyến giáp bằng phương pháp tiêm cồn đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc tiêm sao cho đúng, tiêm thế nào là đủ thì cần đến các y, bác sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và phải được thực hiện ở những cơ sở uy tín. Lạm dụng tiêm cồn có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận bệnh nhân L.T.L, 44 tuổi, Bắc Ninh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở và xơ cứng toàn bộ vùng cổ trước. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã mắc Basedow cường giáp từ 10 năm trước, và đã trải qua 2-3 năm điều trị bằng thuốc nhưng không khỏi. Bệnh nhân đã tìm đến cơ sở tư nhân để điều trị bằng phương pháp tiêm cồn vào vùng cổ trong một thời gian dài. Chị L. chỉ dừng lại quá trình điều trị bằng phương pháp tiêm cồn khi xuất hiện tình trạng khan tiếng, khó khăn khi giao tiếp.

Theo đánh giá của các bác sĩ, đây là một ca bệnh hiếm gặp, các bác sĩ điều trị chẩn đoán bệnh nhân mắc bướu Basedow có nhiều nhân hai thùy tuyến giáp. Bệnh nhân đã tiêm cồn thời gian dài tại cơ sở tư nhân gây xơ hóa vùng cổ trước, liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược bên trái, tắc tĩnh mạch cảnh trái, chèn ép khó thở.

Theo ThS.Bs Vũ Mạnh Trường - Khoa Phẫu thuật tuyến giáp – Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, giải phóng chèn ép và loại bỏ tuyến giáp, điều trị tình trạng cường giáp kéo dài đã thất bại với điều trị nội khoa.

Thách thức của đội ngũ bác sĩ trong ca mổ là việc tiếp cận tuyến giáp qua một khối xơ hóa rộng vùng cổ, loại bỏ tuyến giáp giàu mạch máu với nguy cơ chảy máu cao của bệnh Basedow đồng thời bảo tồn bó mạch cảnh vốn đã bị vây cứng bởi tổ chức xơ.

Bác sĩ Trường chia sẻ, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tuyến giáp qua khối xơ hóa vùng cổ trước, tuy nhiên sau ca phẫu thuật, toàn bộ tổ chức tuyến giáp và xơ hóa của bệnh nhân đã được loại bỏ, dây thần kinh thanh quản liên quan giọng nói được bộc lộ và bảo tồn, bệnh nhân duy trì tình trạng ổn định.

Qua trường hợp ca bệnh nặng và hiếm gặp trên, các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến nghị bệnh nhân cần cân nhắc khi lựa chọn, tiếp cận phương pháp điều trị tiêm cồn. Đồng thời, người bệnh cần tiến hành thăm khám, điều trị bệnh lý tuyến giáp tại các cơ sở chuyên khoa.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiem-con-trong-dieu-tri-u-tuyen-giap-the-nao-de-khong-bi-bien-chung-post487060.html