Tiêm kích F-16 vẫn vắng bóng trên bầu trời Ukraine trước thềm hội nghị NATO 2024

Lời hứa viện trợ máy bay chiến đấu cho Kiev của các quốc gia NATO đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, nhưng cho đến thời điểm hiện tại những chiếc F-16 từng xuất hiện tại bàn đàm phán vẫn vắng bóng trên chiến trường Ukraine.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Litva, 11 quốc gia thành viên nhất trí đi đến một quyết định quan trọng: viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine và đào tạo đội ngũ phi công đủ khả năng điều khiển loại vũ khí tiên tiến này.

Các tiêm kích hạng nhẹ F-16 nổi tiếng với tính cơ động và linh hoạt, có tốc độ tối đa lên tới 2.400 km/h và tầm bay khoảng 4.200 km, giúp chúng dễ dàng đáp ứng các nhu cầu chiến đấu trên không và mở rộng tầm bắn của Ukraine vào thời điểm các nước phương Tây đang dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí.

Sự xuất hiện của F-16 trong kho vũ khí của Ukraine được kỳ vọng sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân của nước này và tạo nên những bước tiến lớn cho trên chiến trường.

Tiêm kích F-16. Ảnh: US Air Force.

Tiêm kích F-16. Ảnh: US Air Force.

Thiếu đội ngũ phi công đủ khả năng lái F-16

Hội nghị thượng đỉnh thường niên tiếp theo của NATO sẽ khai mạc tại Washington vào tháng tới, nhưng trên bầu trười Ukraine, những chiếc F-16 vẫn vắng bóng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này từ phương Tây là thiếu phi công đủ khả năng lái F-16. Theo cam kết của một số quốc gia NATO, đặc biệt là Hà Lan, Đan Mạch và Bỉ, khoảng 60 chiếc F-16 sẽ được vận chuyển đến Ukraine vào cuối mùa hè năm nay, nhưng chỉ có hơn chục phi công Ukraine đang theo học tại các cơ sở huấn luyện lái máy bay ở châu Âu và Mỹ.

Ngoài ra, lực lượng không quân Ukraine cũng thiếu những nhân viên được đào tạo để bảo trì và sửa chữa tiêm kích F-16. Theo Đại tướng Charles Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đây là một trở ngại lớn bởi Ukraine chỉ có thể tiếp nhận số máy bay tương ứng với số phi hành đoàn mà nước này hiện có.

Khóa huấn luyện tại Căn cứ không quân Vệ binh quốc gia Morris ở Tucson, Arizona đã bắt đầu vào mùa thu năm ngoái và đợt tốt nghiệp đầu tiên của các phi công Ukraine đã diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, các cơ sở huấn luyện vẫn vô cùng khan hiếm. Một tuần trước cuộc họp, các quan chức Kiev chia sẻ với tờ Politico rằng có khoảng 30 phi công Ukraine đang chờ địa điểm để bắt đầu huấn luyện nhưng không có chỗ nào còn trống.

Các khóa học kéo dài lên tới 1 năm và chương trình đào tạo sử dụng tiếng Anh chuyên ngành cũng là những trở ngại lớn đối với binh sĩ Kiev. Theo Thư ký Báo chí của Bộ Quốc phòng, Tướng Pat Ryder, các học viên Ukraine tham gia chương trình đào tạo phải trải qua một khóa học tiếng Anh trước khi được tiếp xúc với máy bay F-16. Tuy nhiên, thời lượng của khóa học này “không cố định” do phụ thuộc vào trình độ của từng học viên, có nhiều yếu tố có thể kéo dài thời gian huấn luyện của họ.

Phương Tây “không muốn vội vàng”

Tổng thống Volodomyr Zelensky hồi tháng 5 khẳng định Ukraine “sẽ cần thêm 120 đến 130 máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 để ngăn lực lượng Nga chiếm được ưu thế trên chiến trường”. Đến đầu tháng 6, ông Zelensky đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Singapore để thảo luận về việc viện trợ và đưa chiến đấu cơ F-16 đi vào hoạt động trên chiến trường.

Tổng thống Volodomyr Zelensky. Ảnh: Office of the President of Ukraine.

Tổng thống Volodomyr Zelensky. Ảnh: Office of the President of Ukraine.

Theo các nhà quan sát, đây là thời điểm Ukraine đang căng mình trước đợt tấn công mùa hè của Nga, nên nhu cầu vũ khí của nước này sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là nhu cầu về máy bay chiến đấu giữa lúc các cuộc không chiến thường xuyên xảy ra.

Trong một bài báo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, F-16 được cho là sẽ đe dọa nhiều mục tiêu của Nga hơn và giúp lực lượng không quân Ukraine hoạt động theo các tiêu chuẩn tương tự như của NATO. Đây là một trong nhiều mục tiêu quan mà Kiev đưa ra trong bối cảnh nước này đang mong muốn được trở thành thành viên chính thức của liên minh quân sự này.

Ông George Barros, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, chia sẻ với tờ Defense News rằng các máy bay phản lực có thể hữu ích hơn khi phương Tây đã “nới lỏng” một số hạn chế về việc sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Theo ông Barros, trong trường hợp các hạn chế này được gỡ bỏ hoàn toàn, F-16 sẽ giúp “Ukraine sử dụng sức mạnh không quân theo bất kỳ cách nào nước này mong muốn”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ với Nga đang trở nên căng thẳng, các quan chức Mỹ không lập tức chấp nhận yêu cầu của Ukraine. Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhắc lại cảnh báo đối với các nước phương Tây của Ukraine đang có ý định cung cấp các căn cứ không quân làm nơi dự trữ hoặc sân bay, "nơi các tiêm kích cất cánh và tấn công quân đội Moscow.

"F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân, và chúng ta cũng sẽ cần phải xem xét điều đó khi tổ chức các hoạt động chiến đấu của mình. Điều này cũng không loại trừ việc các căn cứ không quân của phương Tây sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp", ông Putin nói.

Tướng Brown mới đây đã kêu gọi các nước “suy nghĩ lại về cách sử dụng các loại vũ khí hiện có và cách thức kết hợp các loại vũ khí để phát huy hiệu quả của chúng”, thay vì tăng cường các loại vũ khí mới. Theo ông, tiêm kích F-16 đang được “đề cao quá mức”, và dù sở hữu F-16, “Ukraine cũng không thể lập tức thay đổi cục diện cuộc chiến hiện nay”.

Khi được hỏi liệu có chiếc máy bay nào sẽ đến trước hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7 hay không, thay vì trả lời trực tiếp, ông Brown cho rằng sẽ tốt hơn nếu Ukraine chờ đợi đến thời điểm F-16 có khả năng phát huy hết tiềm lực trên chiến trường.

“Tôi không muốn vội vàng”, ông Brown nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Defense News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tiem-kich-f-16-van-vang-bong-tren-bau-troi-ukraine-truoc-them-hoi-nghi-nato-2024-post1101551.vov