Những bức ảnh đồ họa vừa được đăng tải đã tiết lộ tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ sẽ được trang bị vũ khí mới sau khi hoàn thành chương trình nâng cấp.
Không quân Mỹ hiện đang thực hiện chương trình nâng cấp lớn nhất từ trước đến nay cho tiêm kích F-22, có tên là Raptor Agile Capability Release (RACR).
Ý tưởng đằng sau chương trình này đó là mỗi năm Không quân Mỹ sẽ cập nhật phần mềm của chiếc máy bay này và đôi khi thực hiện những thay đổi nội bộ nhỏ đối với phần cứng.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói rằng Raptor là một giải pháp thống trị trên không cho đến khi tiêm kích tàng hình thế hệ 6 NGAD sẵn sàng.
"Mối đe dọa đang trở nên phức tạp hơn và phản ứng của chúng tôi là hiện đại hóa Raptor theo một số cách", Thiếu tá Kevin Autry, một phi công thuộc Phi đội Thử nghiệm và Đánh giá số 422 có tên "Dơi xanh" đóng tại Căn cứ Không quân Nellis, Nevada cho biết.
Như Thiếu tá Autry giải thích, nếu Mỹ nâng cấp F-22 hàng năm, nó "sẽ đạt được khả năng chiến đấu nhanh hơn những gì chúng ta đã thấy gần đây".
Các cuộc thử nghiệm nghiên cứu và phát triển của giai đoạn đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa quy mô lớn mang tên gọi R1 đã được hoàn thành gần một năm trước - vào ngày 16/ 8/2021.
Vào thời điểm hiện tại, giới truyền thông biết rằng chiếc máy bay chiến đấu F-22 đầu tiên trong phi đội được nâng cấp theo gói R1 đang hoạt động một cách tích cực.
Một trong những cải tiến mà F-22 nhận được trong gói R1 là khả năng sử dụng đầy đủ giao thức liên kết dữ liệu Link 16 tiêu chuẩn - trong suốt vòng đời của Raptor, với một số ngoại lệ, nó chỉ có thể chia sẻ dữ liệu thu thập được với những chiếc F-22 khác.
Nhưng vào năm 2020, Không quân Mỹ đã thử nghiệm máy bay không người lái tàng hình XQ-58A Valkyrie như một "cửa ngõ" giao tiếp cho F-22 và F-35.
Đồng thời, điều quan trọng nhất trong gói R1 là F-22 đang được chuẩn bị tích hợp JATM - tên lửa chiến thuật không đối không bí mật mới mang tên AIM-260, sẽ được thử nghiệm chiến đấu vào mùa hè này.
Cần lưu ý rằng chương trình JATM hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chuẩn RACR và F-22 yêu cầu các giai đoạn R1 và R2, cung cấp hầu hết các bước - từ tích hợp tên lửa vào phần mềm cho đến tương tác để dẫn đường đạn đến mục tiêu .
Thiếu tá Autry lưu ý: “JATM có rất nhiều công nghệ mới tiên tiến hơn nhiều so với tên lửa AIM-120 AMRAAM của chúng tôi ngày nay".
Giai đoạn R2 bắt đầu vào tháng 8 năm 2021, bao gồm ba cuộc thử nghiệm nhiệm vụ phòng không, tấn công, và phòng thủ. Gói R2 liên quan đến một lượng lớn phần mềm cho JATM - điều quan trọng khi Không quân Mỹ phát triển giao diện liên kết phi công - phương tiện.
Là một phần của R3, khả năng của liên kết Link 16 sẽ được nâng cao thông qua việc trao đổi dữ liệu giữa các lực lượng đồng minh. Ngoài ra, giai đoạn R3 bao gồm một số nâng cấp cho các cảm biến hiện có.
Ngoài ra, F-22 cũng sẽ nhận được cảm biến hồng ngoại thụ động, cho phép nó theo dõi mục tiêu ở khoảng cách đáng kể - nâng cấp này trước đây đã bị loại bỏ để tiết kiệm chi phí, nhưng Không quân Mỹ hiện muốn quay trở lại ý tưởng này.
Bạch Dương