Tiêm kích F-35 Lightning II giờ đây đã chính thức có danh hiệu là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên được chứng nhận đủ khả năng mang bom hạt nhân B61-12, mở ra cuộc cách mạng trong ngành hàng không quân sự.
Thành công này thể hiện sự tiến hóa đáng kể trong công nghệ quân sự hiện đại, và không thể phủ nhận sự kiện nói trên góp phần củng cố vị thế dẫn đầu chiến trường của F-35.
Việc F-35A nhận được giấy phép mang vũ khí hạt nhân xảy ra vào ngày 12/10/2023. Thành tích nói trên vượt trước thời hạn ban đầu, đã được cam kết với các đồng minh NATO, đó là diễn ra vào tháng 1/2024.
Cột mốc quan trọng vừa đề cập đã mở đường cho F-35A hoạt động trong kịch bản chiến tranh hạt nhân, biến nó thành một nền tảng chiến đấu cực kỳ linh hoạt và có “năng lực kép”.
Không giống như "đối tác" của nó - F-22 Raptor - vốn được thiết kế đặc biệt để chiến đấu không đối không, F-35A được hình thành với ý định tấn công hạt nhân chiến thuật ngay từ đầu.
Nhờ khả năng tàng hình hàng đầu, máy bay chiến đấu này có thể tránh được sự phát hiện của radar đối phương, đảm bảo điều hướng an toàn qua không phận kẻ thù và thực hiện vụ tấn công chính xác.
Mặc dù sự thật là cả hai loại chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga đều sở hữu khả năng tán xạ sóng radar ấn tượng, nhưng chúng chưa đạt được năng lực mang bom hạt nhân.
Sự khác biệt nói trên đã đưa F-35A vượt lên trên hai đối thủ chính, khẳng định đây là "phương tiện tối cao" trong bối cảnh chiến tranh đương đại có sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Về vũ khí, chúng ta đang xem xét một phiên bản hiện đại hóa của bom hạt nhân B61 nổi tiếng, được phân loại là B61-12, nó sở hữu tính năng kỹ chiến thuật ưu việt hơn hẳn so với biến thể ban đầu.
Những nâng cấp quan trọng như vây đuôi có thể cơ động, bộ ổn định quay và hệ thống dẫn đường tiên tiến đã đưa loại bom này lên một tầm cao mới. Khi kết hợp với F-35A, nó trở thành một vũ khí lợi hại, được thiết kế để tấn công mục tiêu với độ chính xác chưa từng có.
Những đặc điểm nổi bật của F-35 như tàng hình, tốc độ và sự nhanh nhẹn, khiến nó trở thành ứng cử viên hàng đầu để thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật ở những khu vực tranh chấp.
Điều khiến F-35A khác biệt so với các máy bay ném bom truyền thống vốn dễ bị đe dọa trong lãnh thổ đối phương là khả năng vượt qua hàng rào phòng thủ và thực hiện những cuộc tấn công chính xác với mức độ hiệu quả phi thường.
Không thể phủ nhận việc kết hợp khả năng tấn công hạt nhân vào một nền tảng đa dụng như tiêm kích F-35 Lightning II sẽ góp phần "thay đổi cuộc chơi" trong chiến lược phòng thủ hiện đại.
F-35A không chỉ là công cụ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân mà nó mở rộng những lựa chọn chiến lược thay thế, vốn được các nhà hoạch định quốc phòng xem xét trong thế giới luôn thay đổi và đầy thách thức hiện nay.