Tiêm kích J-20 có thực sự là cơn ác mộng đối với Không quân Mỹ?
Khi Trung Quốc đưa chiếc J-20 vào sử dụng, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai có máy bay tàng hình thế hệ thứ năm trong thành phần chiến đấu.
Mỹ vẫn giữ được ưu thế trên không với F-22 Raptor trong nhiều năm, nhưng ngày nay cả Trung Quốc và Nga đều có trong biên chế những tiêm kích tàng hình với khả năng tương tự.
Thông tin về J-20 Mighty Dragon của Không quân Trung Quốc (PLAAF) được giữ bí mật phần lớn. Tuy nhiên thông tin tình báo ít ỏi được xác nhận xung quanh chương trình máy bay chiến đấu cho thấy J-20 thực sự có khả năng đe dọa phi đội tiêm kích Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho đến khi họ triển khai phi đội J-20 của mình trong nhiệm vụ chiến đấu, chúng ta sẽ không chắc chắn về thông số kỹ thuật và khả năng của Mighty Dragon.
J-20 bắt nguồn từ chương trình J-XX của Bắc Kinh vào những năm 1990 và được PLAAF chính thức xác nhận một thập kỷ sau đó. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nói trên được đưa vào sử dụng từ năm 2017 và bắt đầu được sản xuất với số lượng đáng kể vào năm 2019.
Trước J-20, Trung Quốc chủ yếu dựa vào thiết kế và linh kiện của Nga, điển hình như J-11 và J-16 phần lớn dựa trên máy bay chiến đấu Su-27 thời Liên Xô mà họ mua vào cuối những năm 1980.
Các báo cáo khác chỉ ra rằng tiêm kích hạm J-15 cũng có nguồn gốc tương tự từ một nền tảng khác của Nga là Su-33, mà Bắc Kinh đã thực hiện quy trình thiết kế ngược.
Đối với J-20, nó được cho là nhanh hơn F-35 Lightning II, nhưng tốc độ lớn cũng đi kèm với những hạn chế. Thứ nhất, Mighty Dragon có tiết diện phản xạ radar (RCS) lớn hơn so với máy bay Mỹ, khiến nó dễ dàng phát hiện hơn.
Ngoài ra còn có một vài vấn đề quan trọng liên quan đến động cơ WS-15 của J-20. Trên thực tế, các nhà phân tích tin rằng động cơ do Mỹ sản xuất trang bị cho máy bay chiến đấu F-35 vẫn đi trước WS-15 ít nhất 10 năm.
Vào năm 2015, một trong những động cơ do Trung Quốc sản xuất đã phát nổ, cho thấy vấn đề kiểm soát chất lượng ảnh hưởng đến các cánh turbine đơn của nó. Về cơ bản, những lá cánh quạt này không thể chịu được nhiệt độ lớn và khả năng cơ động cao hơn của J-20.
Về mặt hệ thống điện tử hàng không, Mighty Dragon trên lý thuyết khá đáng gờm. Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác vẫn được giữ bí mật, giới chuyên gia tin rằng J-20 sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Type 1475, tuy nhiên, hiệu quả của khí tài này vẫn còn là một dấu hỏi.
Quân đội Mỹ cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc có khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn khá tốt, cho phép chiếc tiêm kích khóa mục tiêu và bắn tên lửa về phía máy bay địch mà không cần phải cận chiến.
Bắc Kinh tuyên bố rằng khoảng 100 chiếc J-20 đã được sản xuất trong năm ngoái, trên con số 40 - 50 phi cơ hoàn thành vào năm 2022.
Với tốc độ này, PLAAF cho biết phi đội của họ có thể đạt tới 1.000 tiêm kích thế hệ năm vào đầu thập niên 2030. Số lượng như vậy là rất đáng lo ngại khi có thể bù đắp thiếu sót về chất lượng.
Theo National Interest