Tiêm kích MiG-31 Nga luôn khiến máy bay phương Tây e ngại

Nga triển khai tiêm kích MiG-31 nhận dạng và chặn máy bay trinh sát săn ngầm P-8A của Na Uy, buộc máy bay này quay đầu trên biển Barents.

Trong nhiệm vụ ngăn chặn máy bay phương Tây, Nga thường dùng tiêm kích MiG-31, đây là loại chiến đấu cơ có tốc độ rất cao cùng với kho vũ khí cực mạnh.

"Các hệ thống kiểm soát không phận phát hiện mục tiêu trên biển Barents tiếp cận biên giới Liên bang Nga, tiêm kích MiG-31 thuộc Hạm đội phương Bắc lập tức xuất kích để ngăn chặn hành vi xâm phạm tiềm tàng", Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/7 thông báo.

Phi công trên tiêm kích MiG-31 Nga phát hiện mục tiêu là máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon của không quân Na Uy. Khi tiêm kích Nga tiếp cận, chiếc P-8A của Na Uy quay đầu và bay xa khỏi biên giới Nga. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng biên giới nước này "không bị xâm phạm".

Máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon

Máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon

"Chuyến bay của tiêm kích Nga tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển trung lập, không cắt ngang tuyến hàng không hoặc tiếp cận nguy hiểm với máy bay nước ngoài", Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.

Không quân Nga nhiều lần điều tiêm kích chặn máy bay nước ngoài trên các vùng biển gần biên giới nước này. Nga hồi tháng 5 điều tiêm kích chặn oanh tạc cơ Mỹ cùng trinh sát cơ Đức và Pháp trên biển Baltic, cũng như chặn trinh sát cơ và tiêm kích Anh trên Biển Đen vào cuối tháng 6.

Tiêm kích MiG-31

Tiêm kích MiG-31

Tiêm kích MiG-31, có tên định danh của NATO là Foxhound, có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1975. Nó được tạo ra nhằm thay thế cho MiG-25. Có thể nói, bầu trời nước Nga đang được bảo vệ bởi loại máy bay "độc nhất", có thể đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào, từ các tên lửa hành trình cho đến cả vệ tinh, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở bất kỳ tốc độ nào.

Các nhà phân tích tin rằng ở khả năng đánh chặn thì không có một loại máy bay chiến đấu nào khác có thể cạnh tranh được với tiêm kích MiG-31 của Nga trong thời gian 10 - 15 năm tới.

Một nhóm tiêm kích này có thể giám sát cả một vùng không phận rộng lớn. Sức mạnh của MiG-31 nhờ vào tên lửa tầm xa R-33 (NATO gọi là AA-9), tầm bắn 120 km. Kết hợp với radar Zaslon, chiếc tiêm kích hạng nặng có khả năng ngắm bắn 10 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường cho 4 tên lửa tới 4 mục tiêu khác nhau. 4-6 tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn đối không cũng có thể được gắn ở dưới cánh. Máy bay còn được trang bị pháo 23 mm, cơ số đạn 260 viên.

Ngoài ra MiG-31 còn có các biến thể trinh sát cực mạnh với hệ thống điện tử tiên tiến để phát hiện trước các mối đe dọa từ đối phương.

Theo RIA Novosti, Military Today

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-mig-31-nga-luon-khien-may-bay-phuong-tay-e-ngai-post545738.antd