Tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại và nhận nhiều kỳ vọng nhất của Nga. Mặc dù vậy, thực tế những gì diễn ra lại đang gây nỗi thất vọng tràn trề.
Bị mắc kẹt giữa gia đình đông đúc của những tiêm kích do ngành công nghiệp quốc phòng nước này chế tạo, vẫn chưa rõ liệu khi nào MiG-35 sẽ nổi lên như một nhân tố cụ thể của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. Hiện tại, nó là một dự án chưa rõ đường chân trời.
MiG-35 được quảng cáo là máy bay đa nhiệm thế hệ thứ tư, rất tiên tiến, sử dụng công nghệ của tiêm kích thế hệ thứ năm. Được bán trên thị trường như một chiến đấu cơ thế hệ 4++, MiG-35 là sự kết hợp cải tiến của MiG-29K / KUB và MiG-29M / M2.
Fulcrum-F đã được phát triển từ đầu những năm 2000, và chính thức ra mắt vào năm 2007. Phòng thiết kế Mikoyan của Nga - một công ty con của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) là đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Các quan chức quốc phòng Nga tuyên bố rằng hệ thống điện tử hàng không, nhắm mục tiêu và phòng thủ của Fulcrum-F sẽ giúp MiG-35 khác biệt với những máy bay cũ hơn của Nga, tuy nhiên chúng ta không thể xác minh điều đó.
Hai cấu hình chính của MiG-35 là tùy chọn ghế đơn và ghế đôi, được gọi là MiG-35 và MiG-35D. Không có sự khác biệt lớn giữa hai phiên bản Fulcrum-F này, vì cả hai đều sử dụng hai động cơ Klimov RD-33MK và có thể mang cùng số lượng tên lửa, bom cũng như các loại vũ khí khác.
Với tốc độ tối đa 2.560 km/h, MiG-35 có khả năng tương đương với nhiều máy bay đa nhiệm khác, nó được cho là có khả năng mang nhiều loại tên lửa hiện đại, bao gồm không đối không, không đối đất, cũng như bom có điều khiển và không điều khiển.
Với chín điểm cứng, MiG-35 có thể mang khối lượng vũ khí lên tới 7 tấn, ngoài ra Fulcrum-F cũng được công bố là máy bay quân sự đầu tiên của Nga có hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Mặc dù trên giấy tờ, MiG-35 có vẻ là một tiêm kích đa năng đáng gờm, nhưng các nhà quan sát bên ngoài khó đánh giá khách quan về hiệu suất của nó - hoặc đối với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga để có thể sử dụng trên quy mô lớn.
Năm 2013, lực lượng không quân Nga thông báo sẽ đặt mua 37 chiếc MiG-35 Fulcrum-F, nhưng chỉ có 6 nguyên mẫu và 8 chiếc MiG-35 được sản xuất hàng loạt, đây là con số quá thấp so với kỳ vọng.
Ông Musheg Baloyan - Giám đốc các chương trình máy bay tiền tuyến đa năng hạng nhẹ MiG-29M, MiG-35 cho hay Fulcrum-F đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Nhưng điều này không thúc đẩy chính phủ Nga hoặc bất kỳ khách hàng tiềm năng nào khác đặt mua thêm.
MiG-35 đang cạnh tranh để hoàn thành dự án 114 máy bay chiến đấu đa năng của Ấn Độ. Ở đây, nó phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Rafale của Pháp; F-18, F-15 của Mỹ; Eurofighter; Saab Gripen; và người anh em họ của nó - Su-35.
Chính phủ Ai Cập đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua MiG-35, nhưng Cairo cuối cùng đã ký một thỏa thuận với Nga để mua 46 chiếc MiG-29 vào năm 2015. Đối tác khác là Malaysia sau thời gian đánh giá cũng lặng lẽ rút lui.
Nếu không có một đơn hàng mới để duy trì sản xuất và khẳng định cho sự phát triển hơn nữa của MiG-35, không có gì ngạc nhiên khi loại máy bay này bị lu mờ bởi các tiêm kích Nga khác đóng vai trò tương tự.
Trừ khi sự quan tâm đến Fulcrum-F tăng lên đáng kể trong tương lai, khó có thể tưởng tượng rằng MiG-35 sẽ đi vào hoạt động trên quy mô lớn.
Bạch Dương